Viết sao cho đáng tin
Để thành công bước đầu trong viết lách, bạn chưa cần viết hay. Trong giai
đoạn này, điều quan trọng nhất là viết sao cho đáng tin, cho có lý.
Không nên học tập lối diễn đạt bóng bẩy nhưng không đáng tin. Một số
người hay dùng từ “ma trận” nhưng nào có hiểu nghĩa của từ này. Đây là
một thuật toán được dùng để tính sao cho nhiều nhân tố kết hợp với nhau
một cách hợp lý. Chẳng hạn, trong một cửa hàng, người ta sử dụng ma trận
để tính đường đi của khách hàng, trưng bày hàng hóa như thế nào cho thuận
tiện. Hoặc trong một khu phố, chỗ nào đặt cửa hàng gì, đặt như thế nào thì
có lợi nhất. Ma trận không phải là “trận của ma”.
Gabriel García Marquéz, nhà văn Colombia có tác phẩm được dịch ra tiếng
Việt, từng nói: “Vấn đề của mọi nhà văn là viết ra những câu chuyện có thể
tin được. Người ta có thể viết gì cũng được miễn là chuyện đó được tin.
Nhưng trước khi viết sao cho độc giả tin, cũng cần viết sao cho có... người
đọc. Muốn được như vậy - đặc biệt trong thời đại có quá nhiều thứ để giải trí
như hiện nay, thì cần giúp cho họ đọc nhanh, đọc dễ.
Phải làm gì để đáp ứng ý muốn trên của độc giả? Cách hay nhất: viết đơn
giản và trực tiếp. Nhà văn chuyên viết truyện khoa học giả tưởng Isaac
Asimov từng học được bài học này từ một biên tập viên. Khi bắt đầu sự
nghiệp, Asimov đã viết một cuốn tiểu thuyết đầy những từ, cụm từ hoa mỹ
và lắm câu màu mè. Người được giao biên tập tác phẩm đó đã hỏi nhà văn:
- Ông biết Hemingway diễn tả cảnh mặt trời mọc sáng hôm sau như thế nào
không?
- Không, Asimov trả lời.