... Xưa có Chân Linh tiên nữ ở trong động, lại có một vị tăng tinh thông
pháp thuật, một hôm trai tăng đến núi múa kiếm chém bụng núi, chặn chân
núi; tiên tử bèn chạy đến phường Phúc Lâm, vị tăng cũng chạy theo rồi hai
người đều hóa đá ở trên núi... Ở sườn núi này có chỗ đá như bị cắt, tục nói
đấy là vết kiếm chém của vị tăng, ở chân núi có chỗ lõm vào, tục nói đấy là
vết kiếm chém của vị tăng chặt chân núi. Về phía Tây bắc núi, bậc đá mở
ra một cái hang, trong hang có thờ Chân Linh tiên nữ, khi hạn hán cầu đảo
thường được ứng nghiệm...»
Các anh đã thấy chưa?
Đoạn sử, mà tôi lược trích trên đây cũng có thể coi như một bản báo cáo
khá đầy đủ về tình hình địa chất rất phức tạp ở vùng này. Ở đây là núi đá
vôi Đề-von, hoạt động nước ngầm của các hang Kacstơ khá mạnh, có hiện
tượng chảy rối xen lẫn với chảy tầng. Thành phần hóa học của nước ngầm
ở những chỗ ngưng đọng có biểu hiện qua pyrít sắt hoàn nguyên nên có
màu xanh như «mắt tăng». Về mặt kiến tạo thì thật là rõ ràng một cách kỳ
lạ. «Trai tăng đã chém bụng núi, chặt chân núi», đó chính là cái khe nứt lớn
trên sườn đỉnh Chân Linh và cái vết hẫng ở phía trên tầng đồi tích. Đọc
đoạn này tôi mới chợt nhận ra rằng ở đây có một thềm trượt cổ khổng lồ đã
hình thành trong một quá trình hoạt động kiến tạo cực mạnh, đến nỗi, tiên
tử và vị tăng phải chạy đến tận phường Phúc Lâm và «hóa đá» ở đấy. Đọc
sử thật là thú vị và bổ ích. Tôi đang dành hầu hết số thời gian còn lại ở
bệnh viện để làm một bản giải trình tỉ mỉ về phương diện địa chất đối với
đoạn sử độc đáo này và hy vọng nó sẽ có thể bổ sung được nhiều điều có
ích cho những bản báo cáo điều tra vội vã của tôi; và điều quan trọng nhất
là tất cả những cái đó sẽ có lúc chúng ta phải dùng đến trong cuộc chiến
đấu ở Cô-Tan sắp tới...».
Đọc xong, chính ủy Lâm Hồng Sơn thong thả gấp lá thư lại, đặt lên bàn.
Sau mấy phút im lặng, chính ủy ngước nhìn thủ trưởng Đức, khe khẽ nói,
có vẻ xúc động:
- Chúng ta bắt đầu phải đuổi theo bọn họ rồi đấy!