nhỏm dậy. Tưởng ai, hóa ra Liên «Tây Hồ». Tuy chưa thuộc tiếng nhưng
Kha đã biết người và đã được nghe kể nhiều chuyện về cô điện báo viên
này. Liên «Tây Hồ» còn có cái tên nữa là «Bông sen gai» mà thủ trưởng
Đức vì đang học tiếng Nga nên mỗi khi viết cái gì gửi cho Liên thường đề
là Senga. Về tính nết của Liên «Tây Hồ» thì đám con trai ở đài đã truyền
cho nhau những câu ca có tính chất châm ngôn như:
«Tay trần chớ mó Sen gai
Thơm thì thơm thực, đứng ngoài mà trông»
hoặc là:
«Sen-ga ơi hỡi Sen-ga!
Thôi thôi em cũng lạy bà, xin thua!».
v.v... Chắc là cái anh chàng nào đó ở B8 đã nhận ra Liên và đang tụng cái
câu «kinh» yếm thế đó nên Liên mới cười như vậy. Nhìn bên ngoài, quả
thật Liên có một vẻ đẹp đúng như bông sen gai ở làng Tây Hồ.
Khuôn mặt trái xoan, mái tóc đen mượt, hai hàng lông mày lá liễu cong
và dài, ôm lấy cặp mắt lá dăm đen láy, lúc nào cũng lấp lánh như những
vần ca dao vẫn lưu truyền đời này sang đời khác ở vùng đất cổ trung châu.
Nói đến tinh thần làm việc của Liên thì dù người khó tính đến đâu cũng
không thể chê trách được. Nghe nói, từ ngày vào mở tuyến đến nay, được
phân công làm công tác thông tin, Liên đã nhận và chuyển trên bốn vạn bức
điện đủ loại nhưng chưa hề sai lẫn hoặc chậm trễ lần nào, kể cả những
trường hợp bị địch đánh trong khi làm việc. Một con người như thế, riêng
Kha. Kha rất thích, nhưng trong cái thích đó cũng có cái gì trờn trợn: hãy
coi chừng, cô ta cũng sẽ không tha anh đâu, nếu anh làm việc lơ mơ. Hình
như thủ trưởng Đức cũng đã mấy lần nhận được những bài học thấm thía
của cái «bông sen gai» này. Tuy vậy, dù sao được một người giúp việc như
thế vẫn thích. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà Ban chỉ huy tuyến lại
đưa một chiến sĩ vào loại «chủ bài» của mình vào án ngữ cụm thông tin ở
đây.