đang mở. Tiếng hát của ca sĩ Nhã Phương chậm rãi: "Người đi qua đời tôi,
có nhớ gì không người? Em đi qua đời tôi, có nhớ gì không em?" Hàng
phở, hàng giải khát. La liệt là những sạp hàng quần áo, giày dép, đường
sữa, thuốc lá. ô tô chạy xuôi chạy ngược.
Trời rất trong. Nắng bừng bừng. Cả phố huyện say nắng.
Tiếng còi tàu hú từ xa dè dặt, vui mừng. Có ai nói to: "Tàu về". Cả
phố huyện vẫn mơ màng. Lại có ai gắt lên: "Tàu về". Tiếng còi tàu hăm
dọa, chói óc. Mọi người bỗng nhiên rối rít, cuống cuồng. Những bà, những
chị, những đứa trẻ bán hàng rong chạy xuôi chạy ngược. Tiếng rao hàng
chen nhau: "Nước đây! Ai bánh nào! Ai nước nào! Ai bánh nào! Ai nước
nào!"
Tôi dắt xe đứng một chỗ nhìn. Người trên tàu ra đứng ngồi ngổn
ngang ở ngay bậc cửa. Đây là ga lẻ. Đồng quê tôi vô danh. Nơi tôi đứng
đây vô danh. Khoảng hơn chục người lần lượt qua cổng soát vé Tôi nhận ra
mấy thầy cô giáo cấp ba trường huyện. Bộ đội. Mấy người buôn chuyến.
Mấy người thợ sắt. Một ông to béo, đeo kính râm, mắt kính vẫn còn dán
tem. Một thanh niên cao, gầy tóc rễ tre, đôi mắt tư lự. Tôi biết người này,
đấy là nhà thơ Văn Ngọc. Sau anh Ngọc là một cặp vợ chồng già. Quyên.
Quyên xõa tóc, mặc áo pun, quần gin, đeo kính, khoác túi. Quyên
trông khác hẳn mọi người bởi toàn bộ thần thái toát ra.
Quyên qua cửa soát vé, nhìn quanh. Nhận ra tôi ngay. Quyên bảo: "Tôi
là Quyên. Có phải cô Lưu dặn anh đón tôi không?" Tôi bảo: "Vâng".
Quyên cười: "Cám ơn anh. Anh là thế nào với cô Lưu. Anh tên gì?" Tôi
bảo: "Tôi là Nhâm, tôi là con ông Hùng". Quyên hỏi: "Thế anh có họ hàng
gì với tôi không?" Tôi bảo: "Không". Quyên gật đầu: "Tốt. Cô Lưu thuê
anh à?" Tôi nhìn cái bóng tối sẫm trên nền xi măng. Tôi, thân phận tôi, ở
đâu người ta cũng nhận là kẻ làm thuê, làm mướn.