phần. Do đó qua thời gian dài, hắn đã tốn không ít tâm thần tinh huyết cho
những người bơ vơ ngèo khổ này, cũng rất được mọi người kính trọng.
Cửa tiệm chữa bệnh bán chữ của hắn được mở trên lầu ba của tháp gỗ.
Bởi vì nhớ ơn Tô Mộng Chẩm dìu dắt và chỉ bảo, hắn từng gọi đùa lầu
gỗ kia là “Tượng Tị tháp”. “Tượng tị” (mũi voi) đương nhiên không quý
giá bằng “Tượng Nha” (ngà voi). Cũng bởi vì bang phái do Tô Mộng Chẩm
lãnh đạo là “Kim Phong Tế Vũ lâu”, do đó hắn cũng tránh dùng chữ “lâu”
để biểu thị sự tôn kính.
Có điều, nơi mà hắn đến, nơi hắn sinh hoạt tự nhiên hình thành một
thế lực hiệu triệu. Rất nhiều người tụ tập lại nơi này, giúp đỡ hắn, cũng nhờ
hắn giúp đỡ. Lâu ngày lầu gỗ này đã trở thành đại bản doanh của Vương
Tiểu Thạch. Người ta thường gọi đùa nó là “Tượng Tị tháp”, dần dần cũng
trở thành tên gọi chính thức.
Tính cách của Tô Mộng Chẩm vốn cô độc, bề ngoài lãnh khốc, ra tay
dứt khoát, nhưng trong lòng lại thường có ý từ bi, không muốn gây nhiều
giết chóc. Y tự cho mình thanh cao, yêu thích sạch sẽ, không thích ở cùng
với những người mà y xem thường. Cộng thêm y mắc bệnh đã lâu, cho nên
cũng ít rời tháp xuống lầu vui vẻ với mọi người. Y tự mình cô lập, gọi đùa
nơi ở là “Tượng Nha tháp”, ở trong đó cách xa trần tục. Hiện nay Tượng Tị
tháp của Vương Tiểu Thạch cũng tương ứng với Tượng Nha tháp, nhưng
bóng người đã như nước chảy xa. Tác phong thân cận của Vương Tiểu
Thạch cũng hoàn toàn khác biệt với Tô Mộng Chẩm.
Vào lúc hoàng hôn chưa tàn, mặt trời chưa lặn này, Bạch Sầu Phi lại đi
tới hẻm Ngõa Tử.
Hẻm Ngõa Tử là nơi náo nhiệt nhất trong thành, trung tâm của nó
chính là Tượng Tị tháp.
Hắn tới nơi này làm gì?