còn chỗ nào thấy cái tài rồng hổ nhảy và nằm? Câu chuyện có gì làm thú; Hồi này
chép xảy chuyện giữa đường, vì sự vào ngủ trọ, chợt vào buồng của tân hôn, không
thành một ông thầy chùa nữa, nếu không chuyện vào buồng của một cô dâu thì tác
giả tả làm sao ra tài rồng hổ nhảy và nằm, có đâu những chuyện lý thú? Hỡi ôi! Thi
Nại Am một bậc người tài tử chân chính vậy. Trong lòng chân chính tài tử kia, há
phải thường tình mà dòm thấy được đâu? Mà hồi này gặp Lý Trung, hồi sau gặp Sử
Tiến, đều dùng một lối bút pháp, chia ra chương pháp hai thiên, khiến độc giả thấy
hai lối sự tình, hai phần cục diện, bút lực đến thế, không thể nào nói ra cho hết.
Làm một cô gái là một sự đùa, đã làm đùa hòa thượng tự Ngũ Đài Sơn mà dẫn tới
đây, khi đã thành hòa thượng xuống núi, lại làm một cô gái, lại từng phen đóng vai
đùa chơi, hỡi ôi! Con gái chẳng phải con gái, Lỗ Đạt không ngờ; đùa với chẳng
đùa, Lỗ Đạt đâu ngờ trước được? Hòa thượng chẳng ra hòa thượng, Lỗ Đạt cũng
không ngờ, cho đến lên non với xuống non, Lỗ Đạt đều không biết nữa? Chỉ biết
rằng: Gặp rượu thì uống, thấy việc thì làm, gặp yếu thì bênh, gặp mạnh (dữ) thì đả,
như thế mà thôi, chứ có biết đâu bỗng nhiên làm hòa thượng, bỗng nhiên làm cô
dâu, ngày trước bỡn mà lên núi, ngày nay xuống núi cũng bỡn mà ra.
Lỗ Đạt với Võ Tòng hai chuyện, trong ý tác giả, viết cách nhau để đối với nhau, cho
nên chép chuyện cũng nhiều chỗ giống nhau mục đích, như Lỗ Đạt cứu nhiều cô
gái, Võ Tòng giết nhiều cô gái? Lỗ Đạt say rượu phá Kim Cương, Võ Tòng say
rượu đánh mãnh hổ; Lỗ Đạt đánh chết Trấn Quan Tây, Võ Tòng đánh chết Tây Môn
Khánh; Lỗ Đạt ở chùa Ngõa Quan thử thiền trượng, Võ Tòng ở núi Ngô Công thử
giới đao; Lỗ Đạt đánh Chu Thông, vừa say vừa có bổn phận, Võ Tòng đả Tưởng
Môn Thần cũng vừa say vừa có bổn phận; Lỗ Đạt lên núi Đào Hoa, lấy lén tửu khí,
nhảy xuống núi đi, Võ Tòng lên lầu Uyên Ương, lấy lén tửu khí nhảy xuống thành
đi. đều một mục đích mà làm ra độc giả chẳng phải chẳng biết. Còn có chi tiêu,
phải lấy lén đồ dùng, cần phải trốn đi, phải nhảy liều xuống núi, người đời cho
rằng: Đường đường một đấng trượng phu, sao đến nỗi lấy lén của dùng nhảy xuống
núi trốn? Xét ra một xử sự này thì đường đường trượng phu, có ngại gì lấy lén của
dùng và nhảy xuống núi trốn, càng thấy Lỗ Đạt đạt lý khác thường, xem một hồi
này, thấy Lỗ Đạt làm hòa thượng, nên rằng từng chỗ nhận ra, như ngồi ở trong
trướng cô dâu và nhảy xuống bãi cỏ ở núi, sáng suốt nhận ra làm một người như
thế, thực là kỳ diệu không thể nói hết được ra. Lỗ Đạt lấy lén tửu khí rồi trốn luôn
đi, tiếp tả luôn những lời của hai người Lý, Chu chia của, đại nhân với tiểu nhân
thế nào, dù đàn bà con trẻ xem tới cũng thấy rõ ra, tác giả tả ra thấy hết thần diệu.
Ở đời đại nhân làm việc đại nhân, tự biết rằng thiên hạ đời sau xét tới; tiểu nhân
làm việc tiểu nhân, chỉ cần tự trong mồm khôn khéo nói ra, dù chơi với đồng bói
cũng thò tay mặt đặt tay trái, để giữ lấy phần, xem ở việc Lỗ Đạt lấy lén của và Lý,
Chu chia của, chẳng thấy thú ư?