- Năm lạng bạc này bằng năm mươi lạng khác, tôi xin cúi đầu bái tạ xin hỏi cao tính
đại danh là gì, để tôi biểu dương cho thiên hạ cùng biết.
Tống Giang mỉm cười đáp rằng:
- Giáo sư ơi! Món tiền nhỏ mọn con con thế có kể làm gì?
Đương khi nói vậy thì có một đại hán rẽ đám đông đi vào mà quát lên rằng:
- Thằng này là thằng nào? Đồ tù tội ở đâu? Dám đến đâu làm mãi tiếng đất Yết
Dương của chúng ta như vậy?
Nói đoạn giơ tay quyền lên để đánh Tống Giang. Mới hay:
Lận tài là của hiếm hoi,
Xưa nay nghĩa hiệp trên đời được bao?
Đỉnh chung đã chắc ai nào,
Vàng chôn ngọc lấp, tiếng hào vắng tanh?
Trăm năm thế thái nhân tình
Khiến người lại nhớ câu Bình Nguyên Quân
Biết ai là kẻ xuất trần
Biết ai là Mạnh Thường Quân ở đời?
Ai đi nhắn nhủ đôi lời
Anh chàng họ Tống là người sao đây?
Lời bàn của Thánh Thán
Trong một bộ sách, tả một trăm linh bảy người rất dễ, tả Tống Giang rất khó, nên
đọc bộ sách này cũng được chuyện 107 người rất dễ mà đọc chuyện một Tống
Giang rất khó hiểu. Vì tả chuyện 107 người, đều đúng ngọn bút viết ra, tốt thì thực
tốt, xấu thì thật xấu, còn tả Tống Giang lại không thế, vội đọc qua thì thấy rất tốt,
đọc lần nữa thì thấy tốt xấu đủ hai phần, lại đọc kỹ một lần nữa, thấy tốt không
bằng xấu, sau cùng đọc xét ra, thấy đều là xấu không còn gì tốt!
Hỡi ơi! Đọc Thủy Hử mà đến hai ba lần, sau đến cuối chót mà thực cho là xấu cả
không tốt, há chẳng phải là người đọc sách giỏi ư? Song ta lại nghĩ rằng: Do chỗ
toàn tốt của Tống Giang mà đọc đến chỗ toàn xấu thì còn thấy dễ; Do chỗ toàn xấu
của Tống Giang mà tả nên toàn tốt mới thực khó làm! Nay đọc đến chuyện, xem từ
lời nói việc làm, tìm từng chút một, há chẳng cho rằng một bậc quân tử trung tín
đốc kinh, đi đâu cũng có kẻ yêu, dù là trộm cướp, thấy rằng từng chữ, từng câu,
từng tiết, từng hồi, không chút chê trách, tuy thế, há phải Tống Giang thực là người
nhân con hiếu vậy? Sử ký không chép như thế ư? Chép vua Võ Triều Hán, chưa
từng có một chữ chê đến Võ Triều Hán, thế mà độc giả sau này, chẳng mấy một,
không tỉnh ra cho Hán Võ là không phải thế, như vậy chê khen vốn ở ngoài vòng
bút mực thì ra than ôi! Tỳ Quan chép ngoại sử đã cùng một phép với chính sử. Há
dễ viết thay! Há dễ viết thay!