Các vị Đầu Lĩnh đều lấy làm ngạc nhiên mà hỏi rằng:
- Việc chi mà quân sư kêu như vậy?
Ngô Dụng đáp rằng:
- Cái phong thư vừa rồi, tất là nguy đến tính mệnh cho Đới Tung mất!
Chúng cả kinh hỏi luôn rằng:
- Có điều gì lầm lỗi hay sao?
- Tôi vội quá không kịp nghĩ trước trông sau, trong thư có một chỗ hớ to, chắc là
nguy mất!
Tiêu Nhượng nói:
- Tôi viết chữ rất hệt chữ Thái Sư, vả chăng lời lẽ cũng không sai điều gì, vậy có chi
là hớ, xin quân sư chỉ giáo cho.
Kim Đại Kiện cũng nói rằng:
- Tôi cũng khắc dấu hệt lắm, không nào sai một tí bao giờ!
Ngô Dụng có ý nghĩ ngợi mà rằng:
- Có một chỗ hớ to, rất là nguy hiểm, các ông không biết tới, để tôi xin nói cho các
ông nghe. Mới hay:
Việc đời lầm lỡ một ly,
Cái cơ nguy hiểm có khi muôn vàn.
Phải điều vụng chẳng hay toan,
Để cho thịt nát xương tàn nữa sao?
Phải làm cho biết mưu cao,
Thử xem trời giết anh hào được chăng!
Lời bàn của Thánh Thán
Hỡi này chỉ do một đoạn văn tả Hoàng Văn Bính đọc đến phản thư rồi tán ra ý
nghĩa, để đưa đến Tống Giang phạm tội, rất là thác lạc phù sơ, còn ngoài ra chỉ tự
sự theo, thấy cũng rõ ràng nhanh ứng vậy.
Sau khi uống rượu ở lầu Tầm Dương, chợt tả ra Tống Giang đi tả, đấy dụng bút
của tác giả làm ra thảm đạm, để về sau nửa uống rượu một mình lầu bến Tầm
Dương thổ lộ can trường (đáy lòng)! Cho nên lần sau tả Tống Giang đi tìm ba
người để đi uống rượu mà không được gặp, kể cũng tả nhiều lời, nhưng phải làm
cho rõ cái buồn của Tống Giang, để xảy ra đề thơ cảm khái.
Tả ra Tống Giang hồi từng chỗ trọ của ba người, thấy rõ bọn hảo hán bốn bể
không nhà, rất khéo thay ngọn bút, để rồi vào lầu bến nước, uống rượu ngâm thơ;
như kiểu Tào Tháo phú yến Trường Giang, khiến độc giả xem đến càng thêm khẳng
khái.
Đến hồi tả chuyện con hát, chỉ làm cho rõ con người Lý Quỳ và Tống Giang xử sự
mà thôi, không có gì chiếu ứng về sau nữa.