Trình Giảo Kim nghe vậy rụng rời tay chân. May sao vừa lúc đó Thái Tông
giá lâm, Nhơn Quý đành phải ra cửa quì nghênh tiếp. Thái Tông cho miễn
lễ, nói ngay:
- Trẫm nghe chuyện muốn chém đầu lệnh lang nên đến đây có vài lời muốn
tỏ. Theo trẫm thì dù có tự tiện thành thân cũng là tội nhỏ, có thể lấy công
cứu giá ra để đền bù được. Vả lại hiện nay triều đình cần rất nhiều quân
tướng để hoàn thành chinh tây cho mau, vì thế nguyên soái nể mặt trẫm mà
bỏ qua đi.
Bất đắc dĩ Nhơn Quý phải tuân theo nhưng khi Thái Tông về rồi liền truyền
quân sĩ dẫn Tiết Đinh San ra, đánh bốn chục trượng. Khi ấy Trình Giảo
Kim chưa về, vội ngăn lại:
- Nguyên soái đã vì thánh thượng tha chết thì cũng nên vì lão đây mà đừng
đánh đòn tiểu tướng quân.
Nói xong, Trình Giảo Kim cúi đầu vái lấy vái để. Nhơn Quý không biết
làm sao đành đứng tránh qua một bên không nhận lễ, nói:
- Thiên tuế đã muốn vậy thì tôi xin nghe theo. Tuy nhiên tội không thể tha
dễ như vậy mà sau này nó sinh ra khinh nhờn, phải giam ba tháng để ngẫm
nghĩ về sai trái của mình. Riêng Đậu Tiên Đồng thì tôi chẳng thể nhận làm
dâu con.
Nói xong, một mặt Nhơn Quý sai quân giam Đinh San vào ngục, một mặt
truyền anh em họ Đậu thu xếp hành trang ra khỏi thành. Đậu Tiên Đồng
nghe vậy khóc ngất một hồi nhưng không dám trái lệnh, lạy từ biệt rồi cùng
anh lên ngựa đi luôn. Trình Giảo Kim thấy vậy vậy chạy theo giữ hai người
lại rồi vào nói với Nhơn Quý:
- Hai anh em họ Đậu tài cao phép lạ, nếu nguyên soái không nhận là con thì
họ sẽ ngậm oán về Kỳ Bàn sơn. Nếu họ chiêu tập lâu la tiến đánh Trường
An thì lấy ai chống cự? Khi ấy tội mất Trung Nguyên của nguyên soái cũng
chẳng nhỏ đâu.
Nhơn Quý nghe vậy giật mình, biết quyết định của mình quá nông nổi nên
bằng lòng cho người gọi anh em họ Đậu trở lại, nhìn nhận làm dâu. Từ đó
trở đi trong thành được bình yên vô sự, chẳng có nguy biến gì xảy ra nữa.
Thấy vậy Thái Tông liền bàn với Từ Mậu Công: