trên đời mà bà không thể nào đi sâu vào từng trái tim một với kiến thức hạn
hẹp, lối giáo dục gò bó, và kinh nghiệm nhỏ nhoi của mình. Hơn bao giờ,
bà Kim Cúc ao ước còn được cuốn nhật ký của anh Duy Anh trong tay để
trao lại cho mẹ của anh ta. Và cũng hơn bao giờ bà ao ước người đàn kia đi
ngược lên dốc đồi sau trường tiểu học W., trên đường quay về nhà, để nhìn
thấy anh Duy Anh đang ngồi khóc nức nở dưới gốc cây sồi.
Không trả lời một tiếng, vì biết nếu mở miệng ra nước mắt sẽ chảy, bà
Kim Cúc lầm lũi bước nhanh như trốn chạy. Những tiếng cầu khẩn nho nhỏ
như khúc nhạc ai oán đeo đuổi mãi sau lưng: “Làm ơn! Làm ơn buông tha
cho con của tôi! Hãy để cho tương lai con tôi sáng lạng như những đứa con
trai khác trên đời!”
Khi còn lại một mình trên đường về nhà, bà nuốt hết nước mắt bằng
cách tự an ủi mình là kẻ may mắn. May mắn tột đỉnh là cái bản lĩnh và thái
độ lạnh lùng của bà đã giúp bà từ chối tình yêu say dắm của anh Duy Anh.
Với những bước chân chầm chậm trên lối, bà tự hỏi là đã có bao nhiêu
người đàn bà cùng cảnh ngộ như bà trên đường đời của họ và đã có bao
nhiêu người đàn bà nhẹ dạ rơi vào cái hố của tình yêu nông nổi và không
cân xứng tuổi tác để phải mang bao nhiêu tai tiếng và dị nghị suốt đời bởi
miệng thế gian.
Đến nhà, đang loay hoay với chiếc chìa khóa tra vào ổ, cánh cửa mở
toang ra và con bé Lisa reo lên:
- Con biết ngay là mẹ về mà! Mẹ không bỏ tụi con đâu phải không
mẹ?
Bà Kim Cúc lắc đầu:
- Không! Chỉ có con bỏ mẹ chứ mẹ không bao giờ bỏ các con!
- Con không bỏ mẹ đâu! Con sẽ không như ba và anh Phụng đâu mẹ!
Con bé Lisa nói trong khi tung tăng đi theo bà lên thang lầu, rồi thủ thỉ
tiếp khi hai người vào phòng học của nó:
- Mẹ, có phải mẹ vẫn còn buồn vì chuyện ba bỏ mẹ không hả mẹ? Mẹ
đừng buồn nữa! Con có những đứa bạn cũng có ba mẹ ly dị như mình
nhưng chúng ô kê lắm mẹ. Có khi tụi nó về nhà ba của tụi nó chơi với em
cùng ba khác mẹ có khi chúng ở với mẹ và chơi với em cùng mẹ khác ba.