- May là bà tới. Tôi đang muốn đi tìm bà đây!
Bà Ngọc dịu giọng:
- Con đón dì bằng thái độ đó sao, Thùy Hương? Có gần mười năm rồi, con
thay đổi nhiều, nhưng giọng điệu thì không khác trước mấy. Thế nào, bệnh
tình có đỡ hơn không?
Hương trút bao nhiêu uất ức từ hôm qua đến giờ lên con người mà lâu nay
cô đã có ác cảm:
- Cũng may là tôi chưa phải đi bệnh viện như ba tôi. Bà đã làm gì để ba tôi
đến nỗi hả?
Trước sự hằn học của Hương, bà Ngọc vẫn điềm tĩnh:
- Con biết gì về bệnh tình của ông ấy? Bao lâu nay con ở Mỹ, không một
lần qua Pháp thăm cha, biết ông ấy bệnh gì không?
Hương gay gắt:
- Mới tháng rồi ba tôi điện thoại cho tôi, ông còn khỏe mạnh, tỉnh táo.
Chính ông đã bảo tôi về đây, còn nói là sẽ về sau…
Bà Ngọc cười nhẹ:
- Con biết ai đã ngồi bên cạnh ba con, cầm ống nghe để ông ấy nói chuyện
và ai đã gợi ý từng lời để ba con nói, động viên con về đây không? Ngoài dì
ra thì ai vào hả?
Ngừng vài giây, bà tiếp:
- Chính dì đã muốn như vậy. Muốn con về đây dưỡng bệnh, để ba con an
tâm vào bệnh viện bên đó. Con còn thắc mắc gì nữa không?
- Nhưng sao bà đứng ra bán ngôi nhà này, trong lúc nó là công sức của cha
mẹ tôi và là kỷ niệm mà ba tôi muốn giữ lại mãi mãi, bà biết không?
Bà Ngọc vẫn không mất bình tĩnh:
- Dì biết trước sau gì con cũng hỏi như vậy. Nhưng con có biết là chính ba
con đã ký giấy ủy quyền cho dì bán ngôi nhà này từ bốn năm trước, lúc ông
còn chưa lâm bệnh. Con không tin chứ gì? Vậy hãy đọc những cái này đi,
trước khi nói những lời thiếu cân nhắc đó.
Bà lấy từ trong túi xách ra những tập giấy đẩy tới trước:
- Con hãy ngồi và bình tĩnh đọc kỹ đi.
Không muốn ngồi trước người đàn bà ấy, nhưng sự tò mò đã khiến Hương