Khương Nhung
Tôtem Sói
Dịch giả Trần Đình Hiến
Chương 21
Thác Bạt Thọ( Nguỵ Thái Vũ đế- người dân chủ) năm 429 quyết định đẩy
lùi sự xâm nhập của bộ lạc Nho Nho người Mông Cổ. Một số cố vân của
nhà vua dự báo: Nam triều (Nam Kinh) đế quốc người Hán có thể nhân dịp
này đem quân kiềm chế. Thác Bạt Thọ trả lời đơn giản: “Người Hán dùng
bộ binh, ta dung kỵ binh, trâu bò làm sao chống nổi sói.”
(Pháp) Pierre Renouvin “Đế quốc thảo nguyên”
Trần Trận thấy mấy đàn cừu lần lượt rời hồ nước, liền gom chúng
lại dồn tới ven hồ. Thấy đàn cừu đã tụ tập một chỗ, cậu phóng ngựa tới ven
hồ trước. Bãy sậy phía tây bắc đã bị chặt quang, lộ ra những dải cát nhân
tạo rất rộng để gia súc xuống uống nước. Một đàn ngựa sau khi đã uống no,
vẫn đứng yên nhắm mắt dưỡng thần, không chịu lên bờ. Vịt trời và các loại
thuỷ cầm vẫn đùa giỡn trên mặt nước. Vài con chim còn dám bơi dưới
bụng ngựa, ngang nhiên chui sang bên kia. Đàn ngựa nhìn lũ chim bằng
ánh mắt thân thiện, không dùng đuôi xua đuổi. Riêng thiên nga không chịu
kết bạn với ngựa. Chúng lánh xa vùng nước đục do ngựa gây nên, bơi chậm
rãi bên bờ đối diện, trong bãi sậy.
Đột nhiên trên quả đồi bên hồ có tiếng cừu be ầm ĩ: Đàn cừu của
Trần Trận ngửi thấy mùi nước. Mùa hè cừu uống nước hai ngày một lần.
Khát đã hai ngày, đàn cừu chạy ào xuống hồ làm tung lên từng đám bụi
phía sau. Đàn gia súc vào bãi chăn mới chưa đầy mười ngày, bãi cỏ ven hồ
đã bị chúng giẫm nát, biến thành bãi cát. Đàn cừu xuống nước, cắm đầu
uống ngay bên cạnh đàn ngựa.
Đàn cừu uống no vừa đi lên đồi, bên hồ lại rộ lên những tiếng be
của một đàn cừu khác khát nước, bụi vàng bay lên dày đặc hơn.
Trên một con dốc thoai thoải cách hồ nước hai dặm đã dựng lên ba
bốn cái lán dân công. Vài chục dân công đang đào mương. Bao Thuận Quý