Trương Kế Nguyên nói: Về tới đại đội không ai để ông trưởng bãi cưỡi con
ngựa tồi!
Ba Thuận Quý nói: Tôi nhiều việc quá, xin đi trước. Tôi đợi ông ở nhà ông
Pilich, ông cứ tà tà không vội. Nói xong, ông ta lỏng dây cương, con ngựa
lao đi.
Trương Kế Nguyên gò cương đi bên con ngựa bước thủng thẳng, nói với
Ulichi: Ông Quý đối xử với ông tốt đấy. Cháu nghe một ông trên mục
trường bộ nói, ông ấy mấy lần điện thoại lên trên, đề nghị vẫn để ông trong
ban lãnh đạo mục trường. Có điều ông ấy là con nhà lính, tác phong ít
nhiều nhiễm thói quân phiệt, ông đừng giận ông ấy.
Ông Ulichi nói: Ông Quý nhiệt tình công tác, đã nói là làm, luôn đứng trên
tuyến đầu, nếu như ở vùng nông nghiệp thì ông ta là cán bộ giỏi. Nhưng về
vùng chăn nuôi thì ông ấy càng hăng hái, thảo nguyên càng nguy hiểm.
Trương Kế Nguyên nói: Nếu như lúc cháu mới lên thảo nguyên, nhất định
cháu ủng hộ quan điểm của ông Quý. Nông thôn dưới xuôi rất nhiều người
chết đói, còn thảo nguyên thì bấy nhiêu đất bỏ không. Rất nhiều người
trong đám thanh niên trí thức ủng hộ ông Quý. Nay thì cháu không nhìn
vấn đề như thế nữa. Cháu cũng cho rằng ông có tầm nhìn xa. Tộc nông
canh không hiểu sức tải gia súc của thảo nguyên, không hiểu sức tải về
người của đất đai, càng không hiểu quan hệ giữa sinh mạng lớn và sinh
mạng bé. Trần Trận nói, hàng trăm năm nay thảo nguyên có một logic đơn
giản, phù hợp với quy luật phát triển khách quan. Cậu ta cho rằng chính
sách thảo nguyên của nhà Mãn Thanh thời kỳ đầu và giữa rất sáng suốt,
không cho nhiều người thâm nhập thảo nguyên, nếu không sẽ phải trả với
cái giá rất đắt.
Ulichi rất khoái cái từ "lôgic thảo nguyên", nhẩm mấy lượt cho thuộc. Ông
nói tiếp - Thời kỳ cuối, chính sách thảo nguyên không cản nổi áp lực dân
số, việc thực hiện bị lơ là, thảo nguyên co dần lại, sau đó lại co về phía tây
bắc, tiếp nối với sa mạc Gôbi. Nếu như bắc Trường Thành trở thành sa
mạc thì Bắc Kinh sẽ ra sao, người Mông Cổ cũng sốt ruột. Xưa kia Bắc
Kinh là thủ đô của người Mông Cổ, cũng là thủ đô của thế giới ấy...