Khương Nhung
Tôtem Sói
Dịch giả Trần Đình Hiến
Chương 27
Lý Bạch mang dòng máu Đột Quyết trong người, có thể chứng thực điều
này qua tên của con trai con gái ông. Con trai ông tên “Tần Lê”. Hán ngữ
không giải thích được từ này nghĩa là gì. Thực ra, đây là dịch âm tiếng Đột
Quyết, có nghĩa là “sói”. Sói là tôtem của người Đột Quyết, đặt tên “Tần
Lê” cũng như người Hán đặt tên là “Long” (Rồng). Con gái Lý Bạch tên là
“Minh nguyệt nô”. Hiện nay tộc Duy Ngô Nhi nhiều cô gái tên “A Y Nô
Nhi”, “A Y” nghĩa là vắng trăng, “Nô Nhi” nghĩa là ánh sáng, nguyệt là
dịch ý, nô là dịch âm. Còn như cặp mắt Lý Bạch chính là đặc trưng mắt
người Đột Quyết…
- Mạnh Trì Bắc “Văn hoá thảo nguyên và lịch sử nhân loại”
Được Trương Kế Nguyên đôi lúc đem thịt ngựa đến, thời gian này
sói con đủ thịt ăn. Nhưng Trần Trận nghĩ tới sói con trong đàn sói có bao
nhiêu là sói mẹ chăm sóc, cậu muốn cho sói con của cậu ăn ngon hơn,
nhiều hơn, cho đi dạo nhiều hơn, thời gian vận động nhiều hơn. Nhưng
trước mắt thịt ngựa chỉ còn một bữa cho sói, còn lũ chó thì đã đứt bữa. Trần
Trận lo quá.
Hôm trước nghe Cao Kiện Trung nói, trên dốc tây nam có một con
bò mộng bị chết vì mưa đá. Sáng sớm hôm sau, Trần Trận đem theo con
dao Mông Cổ và một chiếc tải lên chỗ con bò chết nhưng đã muộn, con bò
chỉ còn lại cái sỏ và bộ xương sống mà ngay cả sói lớn cũng không nhai
nổi. Đàn sói ăn sạch không để lại tí thịt nào dù là thịt vụn. Trần Trận ngồi
bên quan sát tỉ mỉ bộ xương, thấy những kẽ xương đều có vết răng sói con.
Sói lớn ăn miếng lớn, sói con răng nhỏ ăn miếng nhỏ, phân công hợp tác,
con bò to như thế mà ăn sạch không còn một mẩu, nhặng xanh tức tối vo ve
một hồi rồi bay đi. Ông già ngưu quan tổ Ba cũng đến, hình như con bò chỉ
còn lại cái sỏ này là bò của ông. Ông nói với Trần Trận: Đàn sói không dám