chuột là trò chơi vui thích của trẻ em Mông Cổ, đồng cỏ trở thành sân chơi
của chúng. Chúng thường chơi mải mê quên cả ăn. Lớn lên chút nữa, chúng
tập cưỡi ngựa và bắn chuột bằng cây cung lớn hơn. Năm xưa một trong
những đại tướng của Thành Cát Tư Hãn, một đại thiện xạ Mông Cổ là đại
tướng Triêcbê nổi tiếng trong chiến tranh với Nga La Tư, trưởng thành từ
cách luyện tập này. Triêcbê có thể trên mình ngựa đang phi bắn trúng cái
đầu bé tí của chuột hoa cách hơn trăm bước chân. Người già bảo, người
Mông Cổ dựa vào tài cưỡi ngựa bắn cung giỏi nhất thiên hạ để bảo vệ đồng
cỏ, mà tiễn pháp được rèn từ tập bắn những con vật sống nhỏ nhất, linh
hoạt nhất. Nếu trưởng thành từ giai đoạn bắn chuột, sẽ bách phát bách
trúng. Dê vàng, cáo, sói, quân địch, chỉ một phát bắn trúng chỗ hiểm. Ngựa
của người Hán không tốt, chỉ có thể dùng để bắn bia, làm sao có bản lĩnh
như kỵ xạ Mông Cổ. Đụng nhau trên chiến trường, kỵ binh Mông Cổ chỉ
bắn ba loạt tên là hạ gục gần nửa quân địch.
Người già còn nói: Người Mông Cổ dùng chuột cho trẻ con tập bắn
cung, là học từ sói. Sói mẹ dạy sói con bắt mồi bắt đầu từ dẫn sói con đi bắt
chuột, vừa vui vừa rèn luyện bản lĩnh, vừa no bụng. Sói bắt chuột, giảm
đựoc nạn chuột trên thảo nguyên.
Thời xưa, hàng năm có bao nhiêu trẻ con và sói con vui vẻ đùa với
chuột, bắt chuột, bắn chuột? Đã đào tạo ra bao nhiêu chiến binh giỏi, sói
giỏi? Có bao nhiêu chuột bị giết? Bảo vệ được bao nhiêu đồng cỏ? Trần
Trận thường thán phục người Mông Cổ có bao nhiêu là học viện quân sự
trên thảo nguyên, có những huấn luyện viên tuyệt diệu là sói. Người Mông
Cổ không chỉ tin theo “thiên thú nhân thảo hợp nhất” (trời thú người cỏ bốn
trong một), sâu sắc và giá trị hơn nhiều “thiên nhất hợp phú” của người
Hoa Hạ. Ngay cả loài chuột vốn là kẻ phá hoại vẫn có một giá trị không thể
thay thế trên thảo nguyên.
*
* *
Trần Trận xách đuôi con chuột đồng lên xem. Khi chăn cừu, cậu
từng trông thấy chuột đực lớn, nhưng chưa bao giờ trông thấy con chuột dài
hơn thước, to bằng cái phích nước. Loại chuột to như thế chỉ có ở những