trung ở một khu vực, nếu xảy ra bệnh dịch thì ông chịu trách nhiệm nhé?
Ông già Pilich lặng đi một lúc rồi lại gầm lên: Chỉ thị của Đoàn bộ cũng thế
thôi. Các người giết hết rái cá rồi lấy gì cho mục dân làm nghề. Nếu dàm
ngựa đứt, ngựa lạnh, người bị thương thì ai chịu trách nhiệm. Các người là
phá hoại sản xuất!
Lão Vương phà hơi rượu, nói: Trên bảo giết chắc là có người chịu trách
nhiệm, ông có giỏi thì đi gặp cấp trên, nạt nộ mấy anh em lao động chân
tay chúng tôi làm gì! Lão Vương liếc cái bao tải bên yên ngựa, nói: Ông
cũng đến bắt rái cá đấy thôi. Ông được bắt, tại sao tôi không được bắt?
Động vật hoang dã không phải do nhà ông nuôi, ai đánh bắt được người ấy
hưởng.
Ông già cáu, chòm râu rung lên, ông quát: Hãy đợi đấy, lát nữa tôi về gọi
mã quan ra. Chỗ da và mỡ này, tôi đem về đại đội.
Lão Vương nói: Chỗ thịt và mỡ này do nhà ăn đoàn bộ đặt hàng, mai phải
đem về cho họ. Nếu ông cho người đến cướp thì cứ cướp, rồi sẽ có người
nói chuyện phải quấy với ông. Chỗ da này cũng có ông cốp đặt rồi, Chủ
nhiệm Quý còn phải đích thân chở đi nữa kia!
Ông già thõng tay, hồi lâu chẳng nói được câu nào.
Trần Trận lạnh như tiền: Các ông giỏi thật! Diệt một lèo bấy nhiêu con rái
cá. Rái cá lớn nhỏ diệt cả ổ, để xem sang năm các ông bắt cái gì?
Lão Vương nói: Các ông gọi chúng tôi là quân lưu manh, lưu manh lưu
manh, quân manh động. Không cần đợi sang năm, chỗ nào có ăn là chúng
tôi mò đến, được năm nào hay năm đó, các ông lo cho lũ rái cá, vậy ai lo
cho lũ lưu manh chúng tôi!
Trần Trận biết nói lý lẽ với bọn lưu manh này cũng bằng thừa. Cậu chỉ
muốn biết chúng bắt bằng cách nào mà được nhiều rái cá như thế, chẳng lẽ
chúng cũng có thòng lọng đàn hồi? Liền đổi giọng, hỏi: Các vị bắt bằng
cách nào mà được nhiều đến vậy?
Lão Vương đắc ý, nói: Định học tôi phỏng? Muộn mất rồi. Mỏm này sắp
hết rồi. Hôm kia tôi đã cho chở lên Sư một xe tải thịt và mỡ rái cá. Muốn
biết tôi bắt như thế nào hả? Lên núi mà xem, chậm nữa là không còn thấy
gì nữa đâu.