bí và đáng sợ. Ba khối đá này cao thấp lộn xộn, tảng ở giữa cao chừng một
trượng; các tảng đá đều chi chít lỗ hổng, hình dạng méo mó, tảng đá cao
nhất cũng nhiều lỗ hổng nhất, hệt như một quả mướp dài, nếu rót nước từ
trên đỉnh nhất định có thể chảy xuyên qua lõi đá xuống đến đáy. Cố Tư Văn
hỏi mọi người: “Các người nhìn xem, ba tảng đá kia là cái gì thế?” Lục Kiều
Kiều am hiểu văn vật, thoạt nhìn đã nhận ra đồ quý. Cô cũng lảo đảo bước
đến bên song đáp: “Ba tảng đá này là cực phẩm trong kỳ thạch thiên hạ,
cũng chẳng biết được chuyển từ đâu tới, có điều nhìn mức độ nhăn này, có lẽ
là vật chỉ hoàng thượng mới có.”
John Lớn tò mò hỏi: “Hoàng thượng Đại Thanh cũng thích thứ quái lạ này
ư? Nó dùng làm gì vậy?”
Trong cả đám, chỉ có Lục Kiều Kiều kiến thức sâu rộng nhất, dẫu sao chơi
đá cũng là một trong những thú vui đặc thù của giới văn sĩ Trung Hoa, dù cô
không thích, cũng từng đọc được không ít trong sách cổ, bèn giải thích với
John Lớn: “Anh không thưởng thức được thứ này đâu, thưởng đá chia ra làm
bốn phẩm, gầy, rò, thông, nhăn, phải là đá thiên nhiên không qua gọt giũa,
lại đủ cả bốn phẩm và nguyên khối lớn thế này, mới có giá trị thưởng thức,
nếu gánh lên thuyền chuyển đến Bắc Kinh bán cho vương gia, có khi đáng
giá liên thành đấy.”
Cố Tư Văn nói: “Em thấy trên khối đá này đầy lỗ là lỗ, nhất định sẽ rò
nước.”
An Long Nhi lại góp lời: “Quý thì quý thật, có điều đặt tại đây chẳng ích
lợi gì.”
A Đồ cách cách cũng tham gia: “Tôi nghe các a ca nói loại này gọi là đá
lụn bại, những vương gia chơi thứ này chẳng mấy ai giữ được gia tài.”
Lục Kiều Kiều nói: “Chuyện này chẳng mấy liên quan đến giá trị hòn đá,
chủ yếu là những tảng đá hình thù kỳ quái này đều ở trong rừng sâu núi
thẳm, vận chuyển vừa tốn thời gian lại tốn tiền, mỗi năm mỗi tốn, tới khi
chuyển đến thì đã hao tổn một món tiền lớn trong nhà rồi.”