gặp phản ứng quyết liệt của Aung San. Phe Aung San đã khai trừ tất cả các
phần tử cộng sản ra khỏi LMNDTDCPX và gạt bỏ ảnh hưởng cộng sản
khỏi quân đội và các nghiệp đoàn; do đó sau này đảng Cộng Sản đã bị loại
ra khỏi sinh hoạt chính trị hợp pháp của Liên Hiệp Miến.
Kể từ khi nắm được ủy ban Hành pháp, Aung San và các đồng chí của ông
đã tiến rất mau trong công cuộc đấu tranh ôn hòa đòi độc lập hoàn toàn cho
xứ sở. Hiệp ước được ký kết giữa thủ tướng Anh Attlee và Aung San ở
Luân Đôn ngày 27 tháng 1 năm 1947 là thành quả cuối cùng của cuộc vận
động liên tục của LMNDTDCPX. Do hiệp ước này, một cuộc bầu cử quốc
hội lập hiến đã được thực hiện vào tháng tư, trong đó ứng viên của Liên
Minh chiếm gần hết tổng số ghế.
Mọi chuyện đang tiến triển tốt đẹp thì bỗng nhiên ngày 19 tháng 7 năm
1947 Aung San và một số ủy viên khác trong Uỷ Ban Hành Pháp bị ám sát
. U Nu, phó chủ tịch Liên Minh, được chỉ định lên thay, và ngay ngày
hôm sau thành lập một Uỷ Ban Hành Pháp mới, vẫn với thành phần không
cộng sản.
U Nu
đã cố gắng tiếp tục sự nghiệp Aung San trong chương trình thâu
hồi toàn vẹn độc lập và thống nhất quốc gia. Tân Hiến Pháp đã ra đời ngày
24 tháng 9 năm 1947 theo đúng tiêu chuẩn mà trước đó Aung San đã vạch
ra trong diễn văn đọc trước quốc hội nhân dịp khai mạc khóa đầu tiên.
Ngày 4 tháng 1 năm 1948 Anh chính thức trao trả độc lập hoàn toàn cho
Miến, đánh dấu kết quả những nỗ lực không ngừng của những người quốc
gia Miến trong công cuộc đấu tranh: một mặt kiên trì và khôn khéo để thoát
khỏi những thủ đoạn chính trị xảo quyệt của Anh, một mặt bình tĩnh và
sáng suốt tránh sự thôi thúc bạo động của phe quá khích.
Kam-pu-chia Và Pháp
Năm 1859, Ang Duong mất, con trưởng là Norodom lên nối ngôi. Khi ấy
Pháp đang tấn công miền nam Việt Nam, và dù chưa nuốt hẳn được đất này,
Pháp cũng đã bắt đầu để mắt tới vùng Biển Hồ màu mỡ.