uy quyền của quốc vương bằng cách dàn bày sự tôn kính bề ngoài để thần
dân vẫn có cảm tưởng là nhà vua thực sự cầm quyền: ban hành luật pháp
theo truyền thống; điều khiển công việc hành chánh; chỉ đạo tối cao mọi
Phật sự và trách nhiệm trước sự sống còn của dân tộc Khmer. Nhờ vậy thần
dân vẫn tiếp tục trung thành với quốc vương, tức trung thành với người
Pháp.
Để chắc ăn hơn, người Pháp không những đã kiểm soát chặt chẽ mọi hành
vi của quốc vương mà đồng thời còn can thiệp trực tiếp vào việc phong
vương nữa. Theo cổ lệ, tân vương được phong là do di chiếu của nhà vua
mới băng, nếu không có di chiếu thì phải được hoàng tộc lựa chọn. Nhưng
khi Norodom mất vào năm 1904, khâm sứ Pháp đã can thiệp phế bỏ việc
lập thái tử để dành ngôi cho em vua là Sisowath chỉ vì Sisowath đã tỏ ra
trung thành với chính phủ bảo hộ bằng cách giúp Pháp dẹp nhiều cuộc nổi
dậy.
Sisowath được con là Monivong kế vị năm 1927. Năm1941 Monivong
chết, Pháp thấy thái tử Monireth có ý mưu đồ tranh thủ độc lập sau thất trận
của Pháp ở Âu châu và thắng thế của Nhật ở Á châu, nên đã loại ông ta mà
chọn Norodom Sihanouk (cháu ngoại Monivong nhưng lại thuộc dòng nội
Norodom) lên kế vị. Sihanouk lúc ấy được coi là còn quá trẻ (đang học
trung học ở Sài-gòn) và dễ bảo, nhưng sau này đã chứng tỏ cho Pháp thấy
là Pháp đã lầm lẫn trong sự nhận định về ông.
Tính đến cuối Thế Chiến II, Pháp đã kiểm soát chặt chẽ được đất Kam-pu-
chia chừng 60 năm. Trong thời bị trị, Kam-pu-chia vẫn giữ được cá tính
quốc gia riêng biệt nhưng về kinh tế thì hoàn toàn lệ thuộc vào các quyền
lợi của người Pháp ở Nam Việt, còn về sự mở mang dân trí thì cũng chịu
chung số phận với Lào, nghĩa là bị Pháp bỏ mặc. Ngoại trừ con cháu hoàng
gia và những nhà khá giả được gửi đi Sài Gòn hay Hà Nội ăn học, thanh
niên trong xứ chỉ biết đến ngôi trường cổ lỗ của giáo hội Phật Giáo lập ra ở
các làng mạc từ bao nhiêu đời trước. Mãi đến năm 1935 mới có một trường
học được mở và năm 1939 là năm mà ngành giáo dục Kam-pu-chia đánh
dấu một bước tiến quan trọng trong sự cấp bằng tú tài bản xứ cho bốn học
sinh tốt nghiệp đầu tiên.