Náo nhiệt và bận rộn đến mấy ngày nhưng vẫn chưa bắt trói được tên đặc vụ nào,
cũng chẳng đào lên được kẻ thù giai cấp ẩn tàng nào cả. Đa số người trúng độc đã được
xuất viện. Dưới sự chỉ đạo của ủy ban vệ sinh phòng dịch tỉnh, trạm vệ sinh phòng dịch
huyện cuối cùng cũng đã tìm ra nguồn gốc gây ra ngộ độc. Đó chính là Song Tích của
chúng tôi. Họ bảo rằng trong thịt và nội tạng của con Song Tích có chứa một loại vi
khuẩn vô cùng độc hại, trong nhiệt độ ba nghìn độ C gì đó vẫn còn có thể chạy nhảy tung
tăng, bỏ vào nồi mà đun thì cho dù có đun ba năm cũng không giết chết được nó.
Sau khi tìm ra con vi khuẩn độc ác này, công cuộc đấu tranh giai cấp ngay lập tức
biến thành cuộc vận động quy trách nhiệm thuộc về ai. Hai cán bộ thuộc tổ chuyên trách
điều tra trách nhiệm của công xã đã về thôn tôi, gọi chú Mặt Rỗ, ông Đỗ và tôi tập trung
lên trụ sở đội, một người chuyên hỏi, một người chuyên ghi chép. Có đánh chết tôi cũng
không hé răng về những điều tôi biết, khi bị hỏi quá khó hoặc bị dọa nạt, tôi ngoác mồm
khóc rống lên. Ông Đỗ cũng giả vờ lẩn thẩn, nói bậy nói bạ lung tung, do vậy mà người
phát ngôn chính thức duy nhất trong buổi điều tra ấy là chú Mặt Rỗ. Chú nói, trước tiên là
do đồng chí Đổng, trong khi thiến cho Song Tích đã cố tình cắt đứt mạch máu chủ của nó,
lại còn bảo lão ta cứ lần khần thoái thác việc tiêm thuốc cho Song Tích, rõ ràng lão Đổng
và tay chủ nhiệm Tôn trên công xã đã bày mưu tính kế sẵn cố tình làm chết con Song
Tích của chúng tôi để lấy thịt chia nhau đón mừng ngày Lao động 1-5! Có ai ngờ rằng
ông trời cũng có mắt! Chú Mặt Rỗ kết thúc lời kể bằng một câu cảm thán.
Nhân viên điều tra sau đó báo cáo lên cấp trên như thế nào, chúng tôi không thể biết
được, nhưng kết quả xử lý cuối cùng thì chúng tôi ai cũng biết.
Cuối cùng, tất cả trách nhiệm dồn lên đầu người con rể thứ tư của ông Đỗ - tổ trưởng
tổ đồ tể công xã Tống Ngũ Luân. Người này không nghe lời chủ nhiệm Tôn, đã tự ý xẻ
thịt con trâu và phân phối cho tất cả cán bộ lãnh đạo công xã cũng như cán bộ thuộc các
cơ quan trực thuộc công xã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, hao tổn sức người và của cải.
Cho dù Tống Ngũ Luân cũng là người bị hại, không những bị hại mà bị hại nặng bởi anh
ta là một trong những người ăn nhiều nhất nhưng cũng phải nhận hình thức kỷ luật là bãi
chức tổ trưởng, dừng sinh hoạt đảng một năm để ăn năn về những tội lỗi của mình.
Dưới sự giúp đỡ vô tư và tận tình của quân Giải phóng, dưới sự lãnh đạo vô cùng
anh minh và sáng suốt của các cấp lãnh đạo từ tỉnh xuống đến huyện và công xã, dưới sự
nỗ lực tuyệt vời của cộng đồng y bác sĩ, trong số hơn ba trăm người ngộ độc chỉ có một