12.
Ba ngày sau khi Song Tích chết. Đó là ngày một tháng năm năm một ngàn chín trăm
bảy mươi, một chuyện kinh động đất trời, kinh động nhân tâm đã xảy ra tại cơ quan lãnh
đạo công xã: Hơn ba trăm người bị ngộ độc thức ăn, triệu chứng chung là phát sốt, nôn
mửa và tiêu chảy. Người bị ngộ độc chủ yếu là cán bộ công xã, là những công chức biên
chế nhà nước và thân nhân của họ. Những người bị kinh động đầu tiên phải kể đến lãnh
đạo ủy ban cách mạng huyện, nghe đâu còn làm kinh động đến cả ủy ban cách mạng
trung ương. Bác sĩ cấp cứu của bệnh viện huyện ngồi xe cứu thương phóng như bay về
trụ sở công xã, bác sĩ bệnh viện tỉnh đi tàu hỏa về sau. Tuy bác sĩ trên trung ương không
thể về kịp nhưng trung ương cũng đã biệt phái một chiếc máy bay trực thăng chở thuốc
viện trợ đến và vận chuyển những trường hợp nặng lên bệnh viện tuyến trên. Cái bệnh
viện con con của công xã không thể chứa nổi cùng một lúc hơn ba trăm con người, do
vậy mà lãnh đạo công xã yêu cầu trường trung học công xã nghỉ học để biến ghế ngồi học
sinh thành giường bệnh, biến phòng học thành phòng bệnh. May mắn là Binh đoàn Giải
phóng quân 6037 đang tổ chức huấn luyện ở vùng này, những bác sĩ, y sĩ, y tá quân y của
binh đoàn cũng tình nguyện đi cứu người. Theo lời kể của bệnh nhân, trình độ tay nghề
của họ rất cao, đặc biệt là những cô quân y trẻ tìm tĩnh mạch để tiêm thuốc cho mọi người
là chính xác tuyệt đối, chỉ cần một lần là đúng, không hề có chuyện chích lần thứ hai.
Chuyện các bác sĩ ở bệnh viện công xã tiêm thuốc vào tĩnh mạch cho bệnh nhân là truyện
dài kỳ, kể mãi không hết. Buộc garô xong, đâm kim vào, không thấy máu chảy ngược lại
trong ống tiêm. Lại rút ra, rồi chọc vào, cứ thế, máu không chảy ngược trong ống tiêm mà
lại chảy bên ngoài da đỏ lòm, đầu họ cũng ướt đẫm mồ hôi. May mắn cho những ai chỉ
một hoặc hai lần đâm mà đã tiêm được thuốc, nhưng chuyện ấy rất hãn hữu, chẳng qua là
mèo mù vớ được cá rán mà thôi.
Nói một cách thực lòng, lúc ấy mọi người vẫn không hề biết đến khái niệm ngộ độc
thức ăn. Từ khi Bàn Cổ khai thiên lập địa, trải qua Tam Hoàng Ngũ Đế cho đến lúc này,
đây là lần đầu tiên chúng tôi mới biết là ăn uống có thể bị ngộ độc. Khi lên báo cáo trên
huyện, các vị lãnh đạo ủy ban cách mạng công xã khăng khăng khẳng định là kẻ thù của
giai cấp công nhân và nông dân đã bỏ thuốc độc xuống giếng hoặc bỏ thuốc độc vào bột
mì. Lãnh đạo huyện báo cáo với lãnh đạo tỉnh về đại khái cũng mang nội dung ấy, do vậy