Nguyên Bình
Trẻ em cướp dâu
Chương 28
MƠ ƯỚC
Sau Hội nghị mười năm thi hành luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em
tại Uỷ ban xã, tôi ghé sang Trạm y tế nơi cô bác sĩ đi nhờ xe hôm trước
đang khám bệnh cho bà con. Tôi đang thả bộ thì giật mình bởi tiếng chào:
- Chào cán bộ, lâu lắm mới được thấy mặt.
Qua phút ngỡ ngàng tôi nhận ra người quen và đưa tay bắt.
- Vàg Chứ Thề, khoẻ chứ? Đi đâu đấy?
- Khoẻ lắm! Tôi đi đình sản. - Anh ta đáp oang oang.
- Làm chưa? - Tôi hỏi.
- Chưa. - Giọng nói có vẻ hơi nặng. - Đợi từ sáng tới giờ, cái bác sĩ kia cứ
bảo về bắt thêm đứa con nữa rồi mới đình sản cho.
Tôi cười. Anh ta phân bua:
- Tôi đã có một đứa rồi, đâu phải như ngày xưa...
Ngày xưa... Câu chuyện cách đây mấy năm, lúc ấy anh ta mười bảy tuổi,
chưa lấy vợ. Thấy mọi người đi kế hoạch hoá gia đình, anh ta chẳng hiểu gì
ra xin đình sản. Khi được hỏi sao chưa lấy vợ mà đã đi đình sản, anh ta trả
lời nhà nghèo đói quá không có gạo ăn, thấy bảo đi đình sản thì được cho
bốn yến gạo, thế là đi. Sau một trận cười vị bác sĩ đuổi anh ta về nhưng anh
ta nhất định không về khi chưa được đình sản và lấy gạo. Cuối cùng vị bác
sĩ phải cho anh ta số tiền bằng bốn yến gạo anh ta mới chịu về và không xin
đình sản nữa.
Gặp tôi hồi năm ngoái khi anh ta đã không còn nghèo đói nữa, đã lấy vợ, đã
có con và được bầu làm trưởng xóm. Tôi nhắc lại câu chuyện đình sản, anh
ta cười, cái cười vui vẻ giòn tan. Anh ta thổ lộ: "Sau khi cầm tiền của bác sĩ
tôi không mua gạo mà mua một con lợn bé xíu đem về. Hàng ngày lên rừng
đào củ lấy rau cho lợn, chặt củi đem xuống chợ bán lấy tiền mua gạo cho
mình. Cái con lợn ấy cũng lạ, ăn toàn rau rừng củ rừng mà vẫn lớn lên to
béo núng nính. Cái mảng đồi rậm rịt cỏ gianh sau nhà tôi phát đi trồng ngô