Tải Ebook miễn phí tại: Chiasemoi.com
Trong The Odyssey, Homer nói về cuộc sống vĩnh hằng sau cái chết tại Elysium. Trong The Myth of Er, Plato miêu tả
linh hồn được đưa lên thiên đường để được tưởng thưởng hay xuống địa ngục để chịu trừng phạt. Người Viking
tưởng tượng ra Valhalla, nơi mà sau khi chết họ sẽ chiến đấu vào ban ngày và mở tiệc ăn mừng chiến thắng vào ban
đêm. Những người da đỏ ở châu Mỹ mơ về một Vùng Đất Săn Bắt Hạnh Phúc nơi có đầy hươu nai và bò rừng.
Cuộc sống sau khi chết là một chi tiết chính trong tất cả những tôn giáo lớn. Phật giáo và đạo Hindu vốn tin vào việc
đầu thai. Đạo Hồi tưởng tượng ra thiên đường giống như một ốc đảo đầy cây cọ và chà là. Với những người đạo Cơ
Đốc, sự hồi sinh của Chúa Giê-xu và lời hứa về một cuộc sống bất diệt chính là nền tảng. Rất nhiều người tìm thấy
niềm an ủi trong những lời của Thánh Paul: “Không phải tất cả chúng ta đều sẽ chết. Thế nhưng, tất cả chúng ta đều sẽ
thay đổi, trong một khoảnh khắc, chỉ trong một cái chớp mắt, vào lúc tiếng kèn cuối cùng vang lên.”
Dĩ nhiên, quan điểm ngược lại cho rằng “Khi ta chết, tức là chết, chấm hết.” không mang lại cảm giác ấm áp cho lắm.
Như Woody Allen nói, “Tôi không muốn có được sự bất tử qua công việc của mình. Tôi muốn được bất tử mà không
phải chết. Tôi không muốn sống mãi trong trái tim người dân. Tôi muốn được sống trong căn nhà của mình.”
Thống kê cho thấy hơn 80% người Mỹ tin vào một cuộc sống sau cái chết. Ở những nền văn hóa ngoài phương Tây,
con số này lên đến 100%.
Thậm chí những người có quan điểm hoàn toàn thế tục vẫn tin một phần nào đó của họ sẽ sống sau khi họ qua đời,
rằng họ sẽ được đoàn tụ cùng gia đình và bạn bè. (“Và thú cưng nữa!” một người hàng xóm nói thêm vào.)
Nhiều người tìm thấy niềm an ủi ở một cuộc sống sau khi chết vì lý do khác. Thật đau lòng khi chứng kiến người ác
thường chiến thắng còn kẻ hiền thì phải chịu khổ trên thế giới này. Ta luôn muốn tin vào sự công bằng của vũ trụ và
rằng một ngày nào đó, chúng ta ai cũng sẽ phải chịu trách nhiệm cho những gì mình gây ra.
Tôi nhớ khi còn nhỏ, mỗi khi có người ra vẻ ta đây hoặc thích gây sự trong thị trấn qua đời, bố tôi đều nhận định – với
một chút mỉa mai – rằng người đó “đi lãnh phần thưởng của mình”.
Lẽ tất yếu là những người theo chủ nghĩa hoài nghi và lý trí như Shermer hoàn toàn bác bỏ lối suy nghĩ này. Ông nói
rằng tất cả chúng ta ai cũng được tạo thành từ vật chất, và một khi thân thể chúng ta bị phân hủy thì chẳng còn lại gì
để hỗ trợ ý thức cả. Tất cả chỉ là mong ước của con người mà thôi.
D’Souza gạt bỏ lối tư duy duy vật này, mặc dù vậy ông vẫn công nhận nỗi hoài nghi về cuộc sống sau cái chết là hoàn
toàn tự nhiên. Ông kể chuyện một cha xứ người Anh được hỏi là có mong lên thiên đường hay không và ông nghĩ mình
sẽ nhìn thấy gì ở đó. “Tôi nghĩ là tôi tin vào cuộc sống vĩnh hằng,” cha xứ đáp, “nhưng tôi mong anh đừng bàn đến đề
tài buồn thảm này.”
Shermer hiểu nỗi e sợ đó. Nếu chúng ta chắc chắn về một cuộc sống sau cái chết, hẳn ta đã không sợ chết hay dằn vặt
đau khổ về cái chết của những người thân yêu, hay tranh luận về vấn đề này nhiều đến vậy. Là một trong những người
theo chủ nghĩa hoài nghi xuất sắc nhất quốc gia, ông đã nghiên cứu về những trải nghiệm chết lâm sàng, tìm hiểu về
kiếp trước, những người gọi hồn, và nhận thấy chưa có đủ cơ sở dữ liệu.
Vậy còn những bệnh nhân từng được thông báo là đã qua đời, thấy mình được bao trùm trong ánh sáng trắng thanh
bình, rồi quay trở về kể cho ta nghe về điều đó thì sao?