Tải Ebook miễn phí tại: Chiasemoi.com
Thật ra là tôi cũng muốn bịa chuyện một chút. (Đằng nào thì đây cũng là giờ ngủ mà.) Nhưng tôi tin mình phải nói cho
con trẻ sự thật dù nó không vui còn hơn phủ nhận hay trốn tránh chúng.
Tôi nói với nó các nhà khoa học tin rằng trong vòng 4 hay 5 tỷ năm nữa, mặt trời sẽ kiệt quệ nhiên liệu – nguồn cung
cấp hydro
– và sẽ phồng lên thành một khối đỏ khổng lồ. Lúc mặt trời phình lên như thế, nhiệt lượng của nó sẽ khiến các đại
dương sục sôi và trái đất sẽ nóng chảy một lần nữa.
Nó có vẻ thất vọng.
“Nhưng tin tốt đó là,” tôi nói thêm, “chuyện này sẽ không xảy ra trong vòng mấy tỷ năm tới, rất lâu sau khi con và mọi
người đều đã chết rồi. Và biết đâu đến khi đó con người đã phát triển được kỹ thuật công nghệ để đi đến những hành
tinh xoay quanh những ngôi sao khác. Hậu duệ ta biết đâu sẽ được sống sung túc trên một thiên hà khác.”
Nó không màng đến cách nói tích cực này. Khi bạn mới học lớp 2 thì ý nghĩ một ngày nào đó bạn và mọi người sẽ chết
hết chắc chắn chẳng vui vẻ gì, cho dù cái ngày đó đến sau hàng tỷ năm chăng nữa. (David vẫn còn đang vật lộn với khái
niệm “tuần sau”.)
Câu chuyện dẫn chúng tôi đến một cuộc thảo luận thứ hai và quan trọng hơn cái vừa rồi. Tôi nói với David rằng nó còn
nhỏ và mạnh khỏe, và sẽ sống một cuộc đời dài hơn nó có thể tưởng tượng rất nhiều. Nhưng tôi cũng nhắc cho thằng
bé nhớ rằng tất cả mọi sinh vật sống đều phải có lúc chết đi. Đó là quy luật tự nhiên.
Thật buồn khi phải nghĩ đến chuyện mình sẽ rời bỏ thế giới này hay chứng kiến cảnh người thân ra đi. Nhưng đến một
lúc nào đó – nếu ta đủ may mắn để sống đủ lâu – tất cả đều già yếu đi. Cuộc sống mất đi chất lượng vốn có. Cái chết trở
thành một diễm phúc.
Nhưng chắc chắn chúng ta, những người còn sống, không phải lúc nào cũng cảm thấy như thế khi than khóc cho
những người đã mất. Nhưng chết chỉ là một phần của cuộc sống. Chúng ta không thể tồn tại mà không có nó. Chẳng
hạn, tôi thường nói với David rằng tất cả mọi thứ trên dĩa thức ăn của con đều từng là sinh vật sống: trái cây, rau cải,
thịt, thậm chí mì ống (theo một cách gián tiếp.) Con nên biết trân trọng. Nếu chúng không chết thì con cũng chẳng
sống được.
Nếu thực vật và động vật – cũng như tổ tiên ta – không chết đi, sẽ không còn đủ không gian trên hành tinh này cho ta
sinh sống. Trái đất không chứa được tất cả mọi người. Chúng ta ai cũng cố gắng sinh tồn. Thế nhưng, cuối cùng thì
những người già rồi cũng sẽ phải chết để dành lại không gian cho lớp trẻ.
Tác giả chuyên viết về đề tài khoa học Connie Barlow và chồng của bà, Reverend Michael Dowd, giúp trẻ em xem cái
chết và việc chết đi chỉ là một quá trình tự nhiên. Nhiều khi bà hỏi một đám trẻ, “Trong các cháu có ai có ông bà đã là
người cõi trên không?” Thay vì chần chừ, bọn trẻ thường rất hăng hái đưa tay. Tại một nhà thờ nọ, có một cậu bé còn
tự hào tuyên bố, “Bà cháu đã quy tiên từ ngày 26 tháng 1 năm 2004!”
Không có cái chết, ta sẽ không thể tôn kính những người đi trước. Ta không thể đặt ra những mục tiêu quan trọng. Ta
không biết đâu là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống. Và thời gian sẽ không còn quý giá.