Tải Ebook miễn phí tại: Chiasemoi.com
Ví dụ như khi làm quen với người lạ, sau phần tìm hiểu về quê quán và coi thử ta với họ có chung bạn bè thân thích gì
không, thì điều được thắc mắc tiếp theo thường là họ làm nghề gì. Bởi trên hết, công việc thể hiện con người.
Nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Ba trăm năm trước, Voltaire đã biện luận rằng công việc tồn tại là để cứu rỗi
chúng ta khỏi ba điều xấu xa: buồn tẻ, bần cùng và trụy lạc. Nhưng trong đời sống xã hội, chúng ta lại đặt niềm tin của
mình vào hai ý niệm lớn khác: tình yêu lãng mạn và công việc ý nghĩa.
Lịch sử đã cho thấy, niềm tin chúng ta dành cho hai điều trên lớn cùng với nhau. Chúng ta bắt đầu tin mình nên cưới
người mình yêu cũng xấp xỉ vào khoảng thời gian ta bắt đầu nhận ra mình nên làm việc không chỉ để kiếm tiền mà còn
vì niềm vui nữa.
Cả hai đều là chuyện lý tưởng, nhưng hiếm khi nào chúng đi cùng nhau mà không gặp trắc trở. Và bạn có thể tột cùng
đau đớn. Khi ta phải chịu cảnh thất nghiệp, như 29 triệu người Mỹ đang phải gánh chịu, chúng ta mất nhiều thứ khác
nữa ngoài thu nhập; ta mất đi chân dung con người mình. Ta không thể giải thích mình đang làm nghề gì, và dĩ nhiên
càng không thể tự giới thiệu mình là ai.
Khi tài năng con người bị lãng phí, đó luôn là điều đáng tiếc. Tương tự cho những ai có công việc nhưng không hết
lòng với nó. Theo lý tưởng thì công việc phải giúp bạn phát huy mọi tố chất của mình và thể hiện bản thân với thế giới.
Bạn có thể là lập trình viên, nha sĩ, hay đơn giản là ở nhà nuôi dạy con thành người, bất cứ việc gì cũng phải mang lại
giá trị và ý nghĩa cuộc sống cho bạn.
Mỗi ngày bạn đều có quyền lựa chọn hẳn hoi. Bạn có thể xem công việc của mình đơn thuần là trách nhiệm và bổn
phận, hoặc bạn có thể xem nó là một cuộc thi, một thách thức hay một cơ hội. Ngay chính bạn còn không vui với việc
mình làm thì bạn mong gì người khác công nhận hay ấn tượng với kết quả bạn mang lại.
Tôi e rằng những ai không hài lòng với công việc đều có khuynh hướng định nghĩa “công việc tốt” dựa trên tiền lương,
phúc lợi và tính ổn định, chứ ít quan tâm đến chuyện công việc đó có phát huy tài năng của họ hay không.
Đó là một sai lầm nghiêm trọng. Nhưng dù đã ý thức được chỗ bế tắc của công việc hiện tại, họ vẫn do dự không muốn
thay đổi. Tại sao vậy? Có nhiều lý do khác nhau, nhưng đa số vì họ đã quá quen với việc theo đuổi chức vị, hình thức và
tài sản vật chất từ trước đến nay không dứt ra được.
Theo đuổi công việc ý nghĩa thường đồng nghĩa với việc chấp nhận cắt giảm thu nhập trong một khoảng thời gian.
Nhưng chuyện chấp nhận đó không phải lúc nào cũng khả thi nếu bạn có một khoản thế chấp lớn, phải thanh toán tiền
mua xe trả góp hàng tháng hoặc chỉ cần 60 ngày chậm thanh toán là bạn sẽ vỡ nợ. Trớ trêu thay, việc từ bỏ giấc mơ
“có tất cả mọi thứ” thường là bước khởi đầu cho một định hướng đúng đắn.
Một lý do khác khiến nhiều người kẹt cứng với công việc không phù hợp – dù họ có thừa nhận hay không – chính là
nỗi sợ hãi. Nỗi sợ hãi rót vào tai bạn suy nghĩ: dù có cố cắt giảm chi tiêu đi nữa, bạn vẫn không đủ khả năng xoay sở.
Nỗi sợ hãi lừa dối bạn, khăng khăng cho rằng bạn phi thực tế; rằng bạn không có trái tim, không có khối óc, cũng
không đủ kỷ luật bản thân để theo đến cùng; rằng công việc đúng sở thích chỉ dành cho người khác chứ không phải
bạn.