Lý thuyết trò chơi cho rằng bất kỳ lựa chọn nào của con người cũng
đều có chi phí cơ hội (opportunity cost). Khái niệm chi phí cơ hội làm nổi
bật một sự thực: bất kỳ lựa chọn nào cũng đều có "hao phí" - phải từ bỏ
những lựa chọn khác. Trong đời sống thực tế, đối với cơ hội bị từ bỏ, mỗi
người sẽ có mong muốn và đánh giá khác nhau tùy thuộc vào phán đoán
chủ quan của họ (chi phí cơ hội chủ quan). Cụ thể về vấn đề nên ăn loại táo
nào trước, hai cách ăn đại diện cho hai loại quan niệm, hai loại phán đoán
chủ quan về chi phí cơ hội. Phán đoán chủ quan của cách ăn thứ nhất là chi
phí cơ hội của việc bị lãng phí lớn hơn chi phí cơ hội của việc thưởng thức
táo ngon; phán đoán chủ quan của cách ăn thứ hai là chi phí cơ hội để
thưởng thức táo ngon lớn hơn chi phí cơ hội của việc bị lãng phí.
Trong đời sống thường ngày, chúng ta thường xuyên phải đối mặt với
lựa chọn "ăn quả táo nào trước", vì thế cần tỉnh táo trong việc lựa chọn chi
phí cơ hội.
TRÁNH SAI LẦM CHỒNG CHẤT
• TINH HOA TRÍ TUỆ
Một khi sai lầm đã xảy ra, việc chúng ta cần làm không phải là ân hận mà là
xem xét việc từ bỏ để giảm thiểu tổn thất.
• GIAI THOẠI
Một người mẹ sai con cầm một cái bát to đi mua xì dầu. Cậu bé đến
cửa hàng, trả người bán hai hào, xì dầu được đổ đầy bát, còn thừa ra một
chút. Người bán xì dầu hỏi đứa trẻ:
- Cháu bé, còn chút xì dầu thừa này đổ vào đâu?
- Bác đổ xuống trôn bát cho cháu đi.
Nói rồi cậu bé lật ngược bát xì dầu và dùng trôn bát đựng số xì dầu
thừa. Xì dầu trong bát đổ tung tóe hết xuống đất, nhưng nó vẫn bưng chút xì
dầu ở trôn bát về nhà.
Về đến nhà, người mẹ hỏi:
- Con trai, hai hào chỉ mua được chừng này xì dầu thôi sao?
Cậu bé đắc ý nói:
- Bát đựng không hết nên con đựng số xì dầu còn lại ở trôn bát. Mẹ
đừng lo, ở đây vẫn còn mà!
Nói xong, cậu bé lật ngược cái bát lại, chút xì dầu ở trôn bát cũng đổ
xuống hết.
• PHÂN TÍCH THEO LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI