Cuối cùng, khi không ít kẻ đào vàng phải ra về với hai bàn tay trắng
thì anh nông dân lại kiếm được mấy trăm nghìn USD - một gia tài lớn thời
bấy giờ - chỉ trong thời gian ngắn nhờ công việc bán nước.
• PHÂN TÍCH THEO LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI
Lý thuyết trò chơi tiệm bar (Bar Game) được Arthur - nhà kinh tế học
Mỹ - đưa ra vào những năm 1994. Mô hình lý thuyết này như sau:
Giả sử tại thị trấn nhỏ nọ có 100 người thích uống bia. Cứ mỗi tuần,
họ đều hoặc đến tiệm bar hoặc ở nhà. Thị trấn chỉ có duy nhất một tiệm bar
với sức chứa 60 người (điều này không có nghĩa là ngoài 60 người đầu tiên
này, những người đến sau sẽ không được vào trong tiệm mà tiệm bar chỉ có
thể hoạt động và phục vụ mọi người tốt nhất khi chỉ có 60 khách hàng).
Một lần, xấp xỉ gần 100 người trong thị trấn đều đổ về tiệm bar khiến nơi
đây trở nên chật cứng và không ai trong số họ được hưởng sự phục vụ chu
đáo như vốn có. Không ít người phàn nàn rằng nếu biết trước thì thà không
đến còn hơn. Sang tuần sau, mọi người do đã có kinh nghiệm từ tuần trước,
đều nghĩ đến đó sẽ phải chen chúc nên chọn ở nhà. Kết quả là vào tuần đó,
số ít người đến tiệm bar lại được phục vụ rất chu đáo và nhiệt tình. Sang
hôm sau, khi những người ở nhà hay tin, họ lại thầm tiếc rẻ nghĩ: "Liệu lần
tới mình có nên đi hay không?".
Câu hỏi nên đặt ra ở đây là: Mọi người ở thị trấn nên chọn lựa như thế
nào?
Lựa chọn của những người dân sống ở thị trấn chịu sự hạn chế, đó là
thông tin mỗi người nhận được chỉ là số người đến tiệm bar tuần trước. Do
đó, họ chỉ có thể kết luận và đưa ra phương án hành động cho lần tới dựa
trên dữ liệu cũ, và cũng không có bất kì thông tin tham khảo nào khác hay
sự trao đổi thông tin giữa mọi người.
Trong quá trình chơi trò này, mỗi người tham gia đều đứng trước một
khó khăn, đó là nếu hầu hết dự đoán số người đến tiệm bar vượt quá con số
60 trong khi con số thực tế lại thấp hơn thì sẽ chỉ có rất ít người đi, lúc này
giả định trên là sai. Ngược lại, nếu hầu hết dự đoán số người đến tiệm bar là
dưới con số 60 và quyết định đi thì số người đi trên thực tế lại đông và
nhiều hơn con số dự kiến này, khi đó giả định này cũng sai. Bởi vậy, muốn
có dự đoán đúng, chúng ta cần biết được cách dự đoán của người khác.
Song trong câu chuyện trên, mọi người dựa đoán dựa trên cùng một nguồn
thông tin, tức lần trước đó, mà không hề hay biết cách dự đoán của người
khác.