bảo: "Yến tiệc hôm nay là buổi yến tiệc tưng bừng, vui nhộn nhất từ xưa
đến giờ, mọi người cứ uống thoải mái, không cần giữ lễ vua tôi, đồng thời
phải giật đứt dải mũ của mìn. Ai còn nguyên dải mũ chứng tỏ người đó
chưa say!". Mọi người nào biết dụng ý của nhà vua, nghe Trang Vương
tuyên bố vậy thì cũng phải làm theo để chiều ý nhà vua. Khi nến được thắp
lên, vì dải mũ của tất cả mọi người đều đã bị giật đứt nên chẳng thể nhận ra
ai là kẻ đã chòng ghẹo người ái thiếp nữa.
Không lâu sau, Sở Trang Vương lấy cớ nước Trịnh và nước Tấn tập
hợp ở Yên Lăng nên lệnh cho toàn bộ quân lính sang bao vây tấn công
Trịnh. Cuộc chiến ác liệt kéo dài suốt hơn ba tháng với nhiều cuộc tấn công.
Trong cuộc chiến lần này luôn có một vị tướng quân dũng cảm xông lên
hàng đầu giao chiến và triệt hạ được nhiều quân lính phe kia. Về sau, trong
lễ luận công ban thưởng mừng chiến thắng, Sở Trang Vương mới hay vị
tướng quân dũng cảm đó chính là người bị ái thiếp của mình giật đứt một
bên dải mũ trong buổi yến tiệc trước kia.
• PHÂN TÍCH THEO LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI
Học giả Robert Axelrod của trường Đại học Michigan (Mỹ) là người
đã đưa ra chiến lược trò chơi "Ăn miếng trả miếng". Ông lý giải chiến lược
này thông qua câu chuyện dưới đây:
Buổi tối khuya, vị giáo sư đang ngủ thì chuông điện thoại bất ngờ reo
inh ỏi. Còn đang mắt nhắm mắt mở, giáo sư vừa mới nhấc ống nghe lên thì
giọng nói giận dữ của bà hàng xóm gần đó đã vọng lại: "Phiền ông mắng
con chó của ông đi, đừng để nó sủa váng lên nữa". Dứt lời, bà ta dập máy,
bỏ lại vị giáo sư khó chịu, tức giận một mình. Sang ngày hôm sau, giáo sư
đặt đồng hồ báo thức đúng 2 giờ sáng để đánh thức mình dậy gọi điện sang
nhà bà hàng xóm hôm qua. Đợi một hồi lâu, phía bên kia mới có người ra
nhấc máy với giọng trả lời đầy ngái ngủ và khó chịu: "Ai thế?". Vị giáo sư
liền lễ độ đáp: "Thưa bà, hôm qua tôi quên chưa cho bà biết là nhà tôi
không nuôi chó".
Qua câu chuyện trên, ta có thể rút ra một kết luận: trong trường hợp
không có sự can thiệp đến từ bên ngoài thì cách ăn miếng trả miếng là chiến
lược có lợi nhất.
Song thực tế không phải lúc nào cũng vậy. Ở câu chuyện về Sở Trang
Vương, vì nhà vua đã không cố truy tìm và trừng phạt kẻ dám cả gan chọc
ghẹo ái thiếp của mình nên sau này viên tướng đó mới cố gắng lập công
chuộc tội.