Hôm nay xem lại các bài đó để in thành sách, tôi cảm thấy đã
quá thiếu sót đối với triết Heidegger. Thú thật hồi đó tôi còn chịu
ảnh hưởng một số giáo sư của tôi ở Ba Lê, nhất là R.Verneaux:
Các ngài gọi triết Heidegger có khuynh hướng vô thần và tiêu
cực. Hồi đó tôi lại chưa đọc cuốn “Thư về nhân bản chủ nghĩa”
của Heidegger. Tôi đã đọc các tác phẩm khác của ông. Riêng
cuốn nhỏ này, tôi tưởng nó cũng như tập “Hiện sinh chủ nghĩa là
một thân bản chủ nghĩa” của Sartre, nghĩa là suýt soát một lời tự
bào chữa. Và tôi không có sẵn cuốn đó, nên không cố công tìm
để đọc. Không ngờ cuốn sách nhỏ này lại là một tài liệu quý báu,
một lời thương xác của Heidegger đối với những ai hiểu sai chữ
Dasein của ông, và nhất là đối với những người dám ghép cho
ông thái độ vô thần. Heidegger tuyên bố ông không vô thần và
cũng không chủ trương thuyết dửng dưng tôn giáo. Sở dĩ ông
chưa bàn nhiều về định mệnh con người và về Thượng đế chỉ vì
ông tự coi như chưa làm xong phần đặt nền cho khoa siêu hình
học, tức phần siêu hình học tổng quát.
Ngày nay, người ta đã nhận định đúng hơn: Không ai coi triết
Heidegger là tiêu cực nữa, và cũng ít ai dám nghĩ triết của ông là
vô thần. Người ta đã tưởng triết đó tiêu cực, vì nó không đề cập
dồi dào về những vấn đề nhân sinh. Nay người ta mới thấy triết
Heidegger còn đi sâu hơn hiện sinh, vì nó đạt tới bình diện hiện
hữu, chỗ căn cơ của hiện sinh và còn là căn cơ tất cả các sinh
hoạt của con người, kể cả sinh hoạt khoa học và sinh hoạt tôn
giáo. Bởi vậy, y khoa đã nhờ triết Dasein để hiểu con người cách
toàn diện và đích thực hơn, nhân đó có thể quan niệm đứng đắn
hơn về bệnh lý con người. Về vấn đề tôn giáo, một triết gia am
tường Heidegger đã gọi triết Dasein là “Cửa mở vào đức tin tôn
giáo” (praeambulum fidei). Riêng tôi rất tiếc đã chỉ dành cho triết
Heidegger một chỗ quá hẹp hòi trong khuôn khổ những bài này.