như thế nào? Bằng ấy vấn đề liên can đến đối tượng của lý trí thực hành sẽ
được lần lượt bàn đến sau đây.
1) Sự thiện là gì? - Kant khởi sự phê bình quan điểm của các học thuyết
cổ truyền khi các thuyết này đưa ra những nguyên tắc như: “Ta không thèm
muốn cái gì, nếu không thấy nó tốt” (Nihil appetimus, nisi sub ratione
boni). Ông bảo câu này quá hàm hồ bởi chữ “tốt” có thể hiểu hai nghĩa:
hoặc theo nghĩa chủ quan như khi ta ưng thì nói “Tốt lắm!”, hoặc theo
nghĩa khách quan như khi lý trí ta quyết đoán rằng “Đó là một hành vi tốt”.
Rồi ông chê tiếng Latin là thứ ngôn ngữ nghèo nàn, thiếu tính cách rõ ràng
cần thiết cho nên đã dùng bonum cho cả hai loại tốt khác nhau đó, và dùng
chữ malum cho cả hai loại xấu tương ứng. Tiếng Đức của ông khác hẳn, vì
có hai danh từ khác biệt để nói về hai loại tốt kia: khi là sự tốt lành của
hành vi, thì ta nói gute (điều thiện)-, còn khi là sự tốt đối với tình cảm chủ
quan thì ta nói wohl (sung sướng). Đàng khác, khi nói đến hành vi trái đạo
đức thì ta dùng chữ boese (xấu xa); còn khi phải nói đến những điều dữ xảy
ra cho ta thì ta dùng uebel (tai hại). Như vậy cái tốt chủ quan hàm ý một
cảm giác khoan khoái, cũng như cái ác chủ quan gợi ý một cảm giác đau
khổ: vậy chúng liên can đến những thực tại thường nghiệm và vật chất. Trái
lại, cái tốt khách quan và cái xấu khách quan chỉ liên can đến hành vi luân
thường của con người thôi, bất xét lợi hay hại, khoái hay khổ do hành vi đó
gây nên.
Như vậy “thiện và ác chỉ liên quan đến chính hành vi thôi”, không liên
can gì đến cách cảm giác của con người chúng ta: chỉ cách hành động của
ta, tôn chỉ hành động của ta, tức chính con người của chúng ta được coi là
thiện hay ác, chứ không phải một sự vật nào hết”
.
Để minh định lập trường khá đặc biệt của ông, Kant đối chiếu lập trường
đó với lập trường của triết học cổ truyền. Ta biết Platon đã coi thiện là một
linh tượng, một thứ vật tự thân hiện hình nơi thế giới khả niệm. Kế đến
Aristote chủ trương sự thiện là một vật thể làm đối tượng cho ý chí ta: con
bò thấy cỏ non thì chạy lại, con người thấy sự thiện thì theo liền. Bởi vậy
Aristote nghĩ rằng mọi hành vi của con người đều quy hướng về sự thiện: