một sự cưỡng bách thực tế, nghĩa là nó bắt tôi phải thi hành một việc nào
đó, dầu cho là không ưa thích mặc lòng”
. Đối với một ý chí thánh thiện
(như ý chí của Thượng Đế), thì luật đạo đức có tên là luật thánh thiện (loide
sainteté), còn đối với những ý chí của loài hữu hạn và có lý trí thì đó là luật
bổn phận (loi de devoir) cũng gọi là luật cưỡng bách đạo đức (contrainte
morale): luật này bắt ta hành động vì niềm tôn kính đối với quy luật và vì
phục tùng đối với bổn phận”
Hai phương diện của động lực thúc đẩy ta hành động, sức cưỡng bách và
niềm kính phục, là hai đặc tính không lìa nhau trong ý thức đạo đức. “Ý
thức về sự ý chí ta tự động quy phục luật đạo đức thì luôn liên kết với một
sức cưỡng bách dằn trên những xu hướng của ta: đó thực là niềm kính tôn
của ta đối với quy luật đạo đức. Và hành động mà quy luật này phán quyết
ta phải thi hành, sẽ được gọi là bổn phận”
Bổn phận ! Đó là ý nghĩa sau cùng của sinh hoạt đạo đức. Ta không bị
thúc bách bởi những năng lực thiên nhiên, và cũng không được nâng đỡ bởi
những tình cảm trong việc thi hành những mệnh lệnh của đạo đức. Không
có gì bắt được ta, trừ chính mình ta tự buộc mình thực hành những điều ta
thấy hợp với đạo làm người. Sự tự buộc mình đó là bổn phận. Và chúng ta
không thể kết thúc Chương này cách nào tốt hơn là ghi lại đầy những dòng
Kant viết về bổn phận, những dòng vẫn được các học giả coi là bài ca để
xưng tụng phẩm giá con người:
“Bổn phận ! ôi danh từ cao cả và vĩ đại, không hàm ý một cái gì khoái
trá, cũng không có gì là quanh co, nhưng đòi hỏi phải quy phục: mi không
dọa nạt bằng những gì có thể gợi lên trong lòng con người sự chán ghét hay
kinh khiếp hòng thúc đẩy ý chí, nhưng chỉ thẳng thắn đặt ra một quy luật tự
nó chiếm được tâm hồn con người và nắm được niềm kính trọng (mặc dầu
không luôn bắt được con người phục tòng): niềm kính trọng này làm các xu
hướng phải im bặt, mặc dầu chúng âm thầm chống lại. Nguyên lai nào mới
xứng với mi? và nguồn gốc nào phát sinh ra sự cao quý của mi? Mi cao quý
không chịu có gì chung với những xu hướng, và chính sự cao quý này là
điều kiện làm nên giá trị duy nhất mà con người dám tự nhận cho mình.