của Hume, thì ông cũng gắt gao lên án thuyết giáo điều của Wolf. Ông đã
trả lại cho tri thức con người cái bản chất riêng của nó: con người không chỉ
là thân thể, và tri thức con người không dừng lại ở nấc những tri thức
thường nghiệm lẻ tẻ, thiếu nguyên tắc và thiếu chắc chắn, như chủ trương
của Hume. Nhưng con người cũng không phải “chị em của chư thần” như
chủ trương của Platon, hoặc là “tinh thần thuần túy” như chủ trương của
Descartes. Kant là triết gia đầu tiên đã phân biệt rõ ràng thế nào là tri thức
và thế nào là suy tưởng. Ông còn là người phân biệt rõ ràng giữa hai loại tri
thức của con người: tri thức thường nghiệm và tri thức thực nghiệm, tri thức
vụn vặt của người đường phố và tri thức chứng minh của nhà bác học. Tóm
lại trong khi Descartes lẫn lộn tri thức với quan niệm, và Hume còn đồng
hóa tri thức với cảm giác, thì Kant quả quyết: tri thức con người phải luôn
luôn có đủ hai yếu tố quan niệm và cảm giác. Thiếu cảm giác, những quan
niệm của ta chỉ là quan niệm rỗng tuếch, không đáng gọi là tri thức ; và
thiếu quan niệm, thì những cảm giác của ta sẽ chỉ là những cảm giác mù,
nghĩa là cảm giác mà không biết là cảm giác gì
. Tóm lại, con người
không có tri thức của chư thần, nên khi thiếu cảm giác, tức tri giác giác
quan, những quan niệm của ta không thể gọi là tri thức, nhưng chỉ là những
ý tưởng suông, thí dụ ý tưởng về một hình vạn giác. Ngược lại, ta cũng
không thể có những cảm giác thuần túy, nghĩa là những cảm giác mà không
rõ là cảm giác gì: Kant gọi mỉa mai đó là những cảm giác mù tịt. Như vậy
tri thức con người đứng vào giữa hai thứ đó, giữa tri thức thần linh của chư
thần, một tri thức không nhờ đến cảm giác, và cảm giác thuần túy không
kèm theo tri thức như ta có thể thấy nơi súc vật. Với cái tri thức lưỡng diện
đó, vừa là quan niệm vừa là cảm giác, con người có thể có khoa Siêu hình
học được không ?
Kant đã trả lời ta trong cuốn Phê bình lý trí thuần túy. Đại để ông đã nêu
lên và giải quyết 3 vấn đề sau đây trong đó có một vấn đề dự bị và hai vấn
đề chính yếu: 1. Thế nào là một tri thức khoa học đích thực? 2. Khả năng và
cơ cấu của tri thức con người, 3. Giới hạn của tri thức con người.