TIẾT III: TỰ DO VÀ ĐỐI TƯỢNG CỦA ĐẠO
ĐỨC.
Nơi Tiết I chúng ta đã tìm hiểu tương quan giữa tự do và quy luật đạo
đức, và Kant đã chứng minh cho thấy chính quy luật đạo đức cho ta kinh
nghiệm đích thực rằng ta tự do và ta là một hiện hữu tự thân về phương
diện nhân linh. Rồi với Tiết II, chúng ta đã thấy những quyết định tự do
trong lãnh vực đạo đức đưa con người lên tới mức làm đoàn viên của một
đoàn thể gồm toàn những người biết tự trọng và kính trọng tha nhân như
chính mình, vì khi đó mỗi người đều hành động như một người vừa làm
luật vừa ý thức về bổn phận thi hành luật đạo đức. Nay với Tiết III, chúng ta
sẽ đề cập vấn đề cuối cùng trong tư tưởng đạo đức của Kant: đối tượng của
hành vi đạo đức.
Chúng ta đã lặp đi lặp lại rằng, theo Kant, hành vi đạo đức không được
bắt nguồn từ những thúc đẩy do tư lợi hoặc do bất cứ đối tượng thường
nghiệm nào. Vậy thì sao còn có vấn đề đối tượng của hành vi đạo đức? Sự
mâu thuẫn này chỉ có vẻ là mâu thuẫn thôi, sự thực thì vẫn có vấn đề đối
tượng của hành động, bởi vì “tất cả mọi hành động đều có mục tiêu”. Khi
bàn về tính chất cứu cánh tự thân của con người, Kant đã phần nào đề cập
đến mục tiêu, tức đối tượng của hành vi đạo đức; nhưng ông mới bàn đến
một cách gián tiếp thôi, vì ông mới chỉ quyết rằng con người không tìm một
cái gì ngoài mình khi hành động theo quy luật đạo đức, mà là tìm chính bản
tính con người của mình. Nay với Chương II và Chương III của cuốn Phê
bình lý trí thực hành, ông sẽ dành nhiều thời giờ và suy niệm để luận về đối
tượng của hành vi đạo đức. Đại ý đối tượng này không thuộc loại những gì
được Gabriel Marcel gọi là “sở hữu” (avoir) nhưng thuộc loại “hiện hữu”
(être): Cái mà con người theo đuổi trong khi hành động không phải là có
thêm cái này, hoặc có thêm quyền lợi kia, nhưng là hiện hữu một cách tròn
đầy hơn mong sao cho bản thân mình “thánh thiện” hơn. Và con người thực
hiện được đối tượng này bằng cách lo cho các tôn chỉ hành động của mình
thích hợp với quy-luật đạo đức phổ quát, bởi vì Kant chủ trương “ý chí tự