tửu Khổng Dĩnh Đạt và những người nghiên cứu kinh thư viết ra lời
giải thích và trình bày chính xác về ngũ kinh, tổng cộng 180 cuốn, lấy
tên là “Ngũ kinh chính nghĩa”, giao cho Quốc học làm tài liệu dạy
học.
✽✽✽
Thái Tông từng nói với Trung thư lệnh Sầm Văn Bản:
− Con người tuy được trời ban cho phẩm tính và khí chất tốt,
nhưng phải học rộng mới có thành tựu, cũng giống như nghêu sò bản
tính ngậm nước, phải đợi đến khi nắng chiếu mới phun nước ra; gỗ có
bản tính dễ cháy, phải nhờ công cụ phát hỏa mới cháy được; bản tính
con người chứa đựng sự thông minh khéo léo, phải chờ học xong mới
thể hiện bản chất tốt đẹp. Bởi vậy Tô Tần khi khắc khổ học tập đã lấy
dùi đâm vào đùi, Đổng Trọng Thư khi dạy học buông kín màn trướng.
Không nhờ nỗ lực phấn đầu rèn luyện về đạo đức và kỹ năng thì công
danh không gây dựng được.
Văn Bản đáp lời:
− Thiên phú của con người như nhau, tình cảm hậu thiên có thể
thay đổi, phải dùng học tập điều khiển tình cảm để làm nên bản tính
con người. Sách “Lễ ký” viết: “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất
học bất tri đạo” (ngọc không mài không thành đồ dùng, người không
học không biết lẽ làm người). Bởi vậy người xưa chăm chỉ học hành
và gọi đó là đức hạnh đẹp nhất.