Thái Tông làm một bài thơ hồi ức đạo lý trị và loạn thời xưa, tiếp đó
cảm thán muôn phần, nói:
− Chung Tử Kỳ chết đi, Du Bá Nha đập vỡ cây đàn, bài thơ này
của trẫm sẽ cho ai dọc đây?
Rồi sai người mang bài thi cảo đến trước linh cữu Ngu Thế Nam,
đọc xong rồi đốt bài thơ để điếu. Nỗi xót xa thương tiếc của Thái Tông
đối với Ngu Thế Nam quả thực là sâu sắc. Thái Tông lại lệnh vẽ hình
hai mươi bốn người trong đó có Ngu Thế Nam, Phòng Huyền Linh,
Trưởng Tôn Vô Kỵ, Đỗ Như Hối, Lý Tịnh... lên tường lăng Yên Các.
✽✽✽
Lý Tích là người Ly Hồ − Tào Châu, ông vốn họ Từ, lúc đầu làm
quan thuộc hạ của Lý Mật, chức Tả võ hầu đại tướng quân. Sau đó Lý
Mật bị Vương Thế Sung đánh bại, dẫn quân theo nhà Đường, Lý Tích
còn chiếm cứ mười quận trước kia thuộc đất của Lý Mật. Năm Đường
Cao Tổ Võ Đức thứ hai, Lý Tích nói với Trưởng sử Quách Hiếu Khác:
− Ngụy công (Lý Mật) đã quy thuận nhà Đường, nay nhân khẩu
đất đai ở đây đều thuộc sở hữu của Ngụy công. Nếu ta dâng biểu hiến
cho Đại Đường thì là mưu lợi nhân khi chủ nhân thất bại, coi là công
lao của mình, dùng để đổi lấy quyền quý, đó là điều ta cho là sỉ nhục.
Nay nên đăng ký toàn bộ đất đai và quân đội, nhân khẩu trăm họ của
châu huyện, tổng kết lại rồi báo lên Ngụy công, để mặc người tự đi
dâng hiến. Làm như vậy là công lao của Ngụy công, chẳng phải rất tốt
ư?
Rồi ông phái sứ giả gửi một bức thư đến Lý Mật. Sứ giả vừa đến,
Cao Tổ nghe nói không có tấu chương, chỉ có một bức thư gửi cho Lý
Mật thì rất lấy làm lạ. Sứ giả bèn tâu suy nghĩ của Lý Tích cho Cao Tổ
hay, Cao Tổ mới lấy làm vui mừng, nói:
− Từ Tích cảm kích ân đức, nhường công lao, thực là bề tôi trung
trinh chính trực.