ban ra thánh chỉ trang trọng mà đã có thay đổi thì sẽ khiến cả nước
trên dưới sinh lòng nghi, cho là bệ hạ không giữ tín nghĩa, giống như
xuân hạ thu đông mất trật tự. Dù nước nhà có nguy nan cần phải ứng
cứu cũng nhất định không thể làm như vậy, huống hồ là dựa vào cục
diện vững tựa Thái Sơn. Người nghĩ ra biện pháp này cho bệ hạ tuy có
một vài lợi ích, nhưng lại tổn thất rất lớn về đức nghĩa. Thần tuy trí tuệ
nông cạn, tài học khiếm khuyết, nhưng trộm lấy làm tiếc cho bệ hạ.
Mong rằng bệ hạ xem qua tấu chương của thần, lựa chọn những việc
có ích để làm. Tội mạo muội dâng sớ, thần xin cam tâm chịu nhận.
Bọn Giản Điểm Sứ, Hữu bộc xạ Phong Đức Di đều muốn sung
hết những người con trai thứ tuổi từ mười tám trở lên vào quân. Văn
thư ban ra ba bốn lần, Ngụy Trưng đều cố chấp dâng tấu, cho rằng
không thể làm như vậy. Phong Đức Di lại một lần nữa dâng tấu nói:
− Nay nghe Giản Điểm Sứ nói: “Những người con trai thứ phần
lớn là những người tráng kiện”.
Đường Thái Tông cả giận, ban chiếu lệnh:
− Con trai thứ trở lên, tuy có kẻ chưa đủ mười tám tuổi, như ai có
sức khỏe tốt, thân thể cao lớn đều sung quân.
Ngụy Trưng lại không phục tùng, không chịu ký văn thư. Thái
Tông bèn cho triệu Ngụy Trưng và Vương Khuê vào gặp, bực bội nói:
− Trong số con trai thứ nếu thật sự có kẻ thấp bé thì tất nhiên
không sung quân, nhưng nếu thân hình cao lớn thì cũng có thể sung
quân. Điều này có trở ngại gì với khanh? Cố chấp như vậy, trẫm
không hiểu ý khanh.
Ngụy Trưng nghiêm túc đáp:
− Thần nghe nói, tát cạn nước ao bắt cá, không phải không bắt
được cá, mà là sang năm không còn cá để bắt nữa; đốt hết cây rừng để
săn thú, không phải không săn được dã thú, mà là sang năm không còn
dã thú nữa. Nếu đem con trai thứ sung quân hết thì tô ruộng và thuế
khóa cùng các thứ phục dịch lấy nguồn đâu cung cấp? Huống hồ, gần
đây cảnh vệ binh sĩ của nhà nước không thể tấn công tác chiến, lẽ nào