Nhưng thách thức đối với trẻ tiết kiệm chính là xu hướng tích góp
tiền bạc của chúng. Trẻ sẽ không tiêu, cũng không cho ai, và thấy không
cần thiết phải có kế hoạch sử dụng tiền đó làm gì. Trẻ chỉ thích có số
tiền đó và biết được chúng sẽ chẳng thể biến đi đâu.
Người tiết kiệm cũng thích cảm giác kiểm soát khi nói đến tiết kiệm.
Đó là lý do trẻ thấy khó chịu hoặc lo lắng khi bạn gợi ý chúng dùng tiền
mua một món quà cho em hoặc cho trẻ biết là chúng phải tự mua thẻ
bóng chày bằng tiền của mình. Trẻ có thể tự làm được những việc đó,
nhưng chúng muốn tự mình đưa ra những quyết định này.
Người tiết kiệm cũng vật lộn để có một bức tranh rõ ràng về tình
hình tài chính thực tế của họ. Họ có xu hướng nghĩ rằng mình chỉ có ít
tiền hoặc chẳng có xu nào, rằng mình sắp hết tiền, nhưng trên thực tế họ
có một khoản tiền lớn được cất kỹ ở đâu đó. Nếu con bạn là một người
tiết kiệm, hãy hỏi xem chúng có bao nhiêu. Hoặc là chúng sẽ biết chính
xác đã tiết kiệm được bao nhiêu, hoặc chúng sẽ cho bạn biết một con số
thấp hơn số thực tế chúng tiết kiệm được. Dù thế nào thì mối quan tâm
cơ bản là trẻ có nguồn lực hạn chế và không muốn tiêu đồng nào.
Bạn có thể giúp trẻ giảm bớt lo lắng về tiền bạc bằng cách cung cấp
cho trẻ một phương pháp trực quan để theo dõi nguồn thu và chi của
chúng. Với trẻ lớn hơn, bạn có thể dùng hình thức sơ đồ, thậm chí là sổ
ghi chép hàng ngày giống dạng sổ cái. Hướng dẫn con kẻ bốn cột trên
trang giấy – một cột nguồn thu, một cột tiết kiệm, một cột cho tặng và
một cột dành cho chi tiêu. Trẻ có thể dùng bảng này để theo dõi xem
tiền của chúng đi đâu, và bạn có thể dùng bảng đó chỉ cho con biết
chúng có bao nhiêu tiền.
Với trẻ nhỏ tuổi hơn, thậm chí bạn có thể sử dụng một hình thức trực
quan hơn. Hãy đưa cho trẻ ba chiếc phong bì nhỏ, hoặc rổ hoặc hộp –
một đựng tiền tiêu, một để tiết kiệm, và một để cho tặng. Mỗi lần cho
con tiền tiêu vặt, hãy giúp trẻ quyết định bỏ bao nhiêu vào mỗi phong bì
hoặc rổ, và phải chắc chắn mỗi phong bì hoặc rổ đều có tiền.
Dù cho con bạn bao nhiêu tuổi, thì trẻ vẫn cần sự khích lệ liên tục,
tránh để tiền bạc quan trọng hơn các mối quan hệ. Nếu một người bạn
rủ trẻ ra cửa hàng kẹo nhưng chúng chần chừ vì không muốn tiêu tiền,
hãy giúp trẻ tính toán xem chúng có bao nhiêu và dùng bao nhiêu tiền
mua kẹo thì trẻ sẽ cảm thấy thoải mái. Hãy giúp trẻ hiểu rằng tiết kiệm
tiền là một công cụ – bằng cách tiết kiệm tiền từ những thứ không quan
trọng với mình, trẻ sẽ có tiền để mua những thứ khác, như một thanh
kẹo. Nhưng tiết kiệm tiền tiêu vặt chỉ để có nhiều tiền hơn thì đó không
phải mục tiêu lành mạnh.
33