cháu, ngay trước mặt bác. Nhưng người ta có thể làm việc ấy ở ngoài
buồng giấy, ở nhà bà Prăngxoadơ chẳng hạn! Từ chiều hôm nay, cháu sẽ
có một phòng trong lâu đài và ăn cơm với bác. Bác thấy trước, bác phải
giao thiệp với người Ấn Độ, trao đổi thư, điện tín mà chỉ mình cháu
được biết. Bác phải đề phòng cẩn thận để người ta không bắt ép cháu
nói. Họ có thể khôn khéo moi những tin tức mà cháu cần giữ bí mật. Ở
bên bác, cháu sẽ được bảo vệ. Hơn nữa, đó cũng là câu trả lời cảnh báo
cho những ai còn mưu tính việc ấy. Sau nữa, đó cũng là một phần thưởng
cho cháu.
Perin vừa mới run đó, đã tự trấn tĩnh mau chóng. Bây giờ, em quá
xúc động bởi niềm vui, nên em không tìm được một từ nào để nói.
- Bác tin cháu vì cháu đã dũng cảm đấu tranh chống đói khổ. Khi
người ta đã dũng cảm như cháu thì người ta trung thực. Cháu vừa cho
bác hay là bác đã không lầm. Bác có thể tin ở cháu như là bác đã biết
cháu từ mười năm nay rồi.
- Từ dạo cháu ở đây, chắc cháu nghe người ta nói về bác một cách
thèm khát: Ở địa vị ông Vunphran, được là ông Vunphran thì sung sướng
biết bao! Sự thật cuộc đời bác rất vất vả, nặng nhọc, và còn khó khăn
hơn là cuộc đời của người thợ khốn khổ nhất của bác. Của cải sẵn có mà
thiếu sức khỏe thì làm sao mà hưởng thụ được? Cái gánh nặng nhất, cái
gánh nặng đặt trên đôi vai bác đè bẹp bác! Sáng nào, bác cũng tự nhủ
bảy nghìn thợ sống do bác, nhờ bác! Vì họ, bác phải suy nghĩ, làm việc.
Thật là một tai họa, nếu họ thiếu bác! Vì họ, bác phải đi. Vì danh dự cái
nhà máy bác mà bác sáng lập – niềm vui, niềm vinh quang của bác… mà
bác thì lại mù lòa!
Ông nghỉ một lát. Lời than thờ cay đắng ấy đã làm nước mắt đọng
trên vành mi của Perin. Lát sau, ông Vunphran nói:
- Cháu cần phải biết qua những câu chuyện họ kháo với nhau ở trong
làng và bức thư cháu dịch là bác có một người con trai. Có nhiều lý do
mà bác không muốn nói, những bất đồng ý kiến quan trọng làm cha con