"Còn ở ta, nhiều nơi vẫn còn. Vì thế Tích Quang mới ra sức bắt dân ta
bỏ tục ấy, bắt phải mai mối cưới hỏi. Thật rắc rối, người nghèo thì lấy tiền
đâu?"
Trắc thì quan tâm đến kết cục câu chuyện, nên giục:
"Thầy kể tiếp đi ạ."
Thầy Tế gật đầu, tiếp tục câu chuyện:
"Vua Hùng nói, nước Văn Lang ta truyền từ đời Hùng này sang đời
Hùng khác, lối sống cũng truyền theo thế mãi thành ra cổ hủ, đã đến lúc
cần phải thay đổi. Ngày trước con gái vua kén chồng, cha mẹ theo thế mà
tác thành, nay thì vua sẽ kén rể cho con gái."
Trắc nghe thầy Tế nói vậy thì không nhịn được:
"Thầy ơi, thế thì có khác gì Tích Quang."
Thầy Tế không trả lời vào câu hỏi của Trắc, kể tiếp:
"Ông Sơn và ông Thủy đều là người tài, đều có thể kế vị vua. Vua
thích ông Sơn hơn, nhưng lại không muốn làm mếch lòng ông Thủy. Vậy
nên vua nói, hai tráng sĩ là người tài giỏi vua cha đều quý trọng, vua cha
không biết chọn ai cho con gái mình. Để cho công bằng, vua bày ra cách thi
tài, hẹn vào giữa tuần trăng, các tráng sĩ phải đem đồ sính lễ gồm voi chín
ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao đến, ai đem đến trước người ấy sẽ
được cưới con gái vua làm vợ."
Trắc ngúc ngắc đầu hỏi thầy:
"Thưa thầy, như thế thì cụ Hùng này cảm tình riêng quá, thật không
công bằng. Lễ vật đều là những thứ của rừng, ông Sơn có sẵn, thế sao gọi là
tài giỏi.