"Bắc Quốc không yên thì có lợi cho chúng ta, bảo Môn phải theo sát
tình hình. Ông Trùm nên cho người mình đi cả Nam Hải, Quế Lâm, Hợp
Phố, Phiên Ngung. Một chiếc đũa thì dễ bẻ, một bó đũa thì vững chắc,
chúng ta càng có nhiều người ủng hộ càng mạnh."
Ông Trùm vâng lời. Trắc bèn chuyển sang chuyện khác, hỏi ông Trùm
tại sao lại học đạo mà không học phật? Ông Trùm giật mình vì câu hỏi này.
Thực lòng mà nói, ông Trùm chưa theo đạo giáo, là vì tình cờ đạo sĩ Huyền
Sâm nhằm trúng vào ông, và vì ông có gặp đạo sĩ vài ba lần, được nghe đạo
sĩ thuyết giảng nên bỗng dưng vỡ ra được một số điều về cuộc sống. Ông
Trùm cũng có dịp gặp các nhà sư truyền giáo, chẳng hạn sư Tát Đạt đến từ
xứ Ấn Độ. Ông đã nghe nhà sư kể về thân thế Đức phật. Ngài nguyên là
Thái tử Tấtđạtđa vì bất bình với sự phân chia đẳng cấp, với sự kì thị màu
da, vì cảm thông với sự thống khổ của muôn dân mà sáng lập ra đạo Phật.
Đức Tấtđạtđa rời nhà đi tu lúc gần ba mươi tuổi, đến núi Tuyết tu sáu năm
khổ hạnh, không có thành tựu gì, đức ngài nhận ra đã đi nhầm đường, bèn
lên đường, gặp một cây bồ đề lớn, bèn lấy cỏ làm nệm, ngồi tĩnh tọa 49
ngày đêm, thấy đầu óc tựa đêm đen trở sáng như ban ngày, ngài ngửa mặt
lên trời mà kêu lên, ta đã tìm thấy điều bấy lâu tìm kiếm. Từ đó Đức ngài đi
khắp thiên hạ truyền bá tư tưởng của ngài, thiên hạ gọi ngài là Bụt, là đấng
giác ngộ, là Phật. Người đi theo ngài ngày một đông lên, ở khắp gầm trời,
đạo của ngài được gọi là đạo Phật.
Bất ngờ Trắc hỏi:
"Ông Trùm có biết học thuyết của Phật nói gì không?"
Ông Trùm đáp:
"Có. Nhà sư Tát Đạt nói, học thuyết của Phật nói về nỗi khổ và sự giải
thoát. Ngài nói với học trò, rằng ta chỉ dạy một điều - khổ và diệt khổ. Khổ
là gì, từ đâu mà sinh ra, làm cách nào mà diệt nó, đó là những điều người
theo đạo Phật phải biết."