Khấn xong, bạn đưa tôi đi thắp hương thân phụ, thân mẫu Hai Bà
được thờ ở bên hữu, đi thăm bức thành đất tương truyền từ thời Hai Bà còn
sót lại. Hết ba tuần nhang, chúng tôi xin lộc đem về, còn bản thảo thì hóa
cùng với vàng mã.
Đêm ấy về nhà, tôi trằn trọc mãi không ngủ được, bèn mở máy tính ra
xem mấy tấm ảnh chụp khu đền thờ, ảnh tượng Hai Bà và ảnh một số hiện
vật được lưu giữ tại khu đền. Trong phòng lưu giữ hiện vật có treo một bức
tranh lạ, không hiểu được làm từ thời nào, mô tả sự vật của thời nào, chỉ
thấy mịt mờ sương khói, xa xôi và bí ẩn. Tôi nhớ lại hai bên tả hữu của
ngôi đền có trồng những cây dáng thẳng nghiêm như những người lính gác
và trên vòm cây đa trĩu quả, vang lên tiếng hót lảnh lót của những chú chim
không tên. Đột nhiên có một làn hương thơm nhẹ thoảng như hương nhài,
tinh khiết như hương lan tràn vào phòng viết, khiến tôi có cảm giác giống
như cảm giác lạc vào một vườn hoa lạ, lâng lâng. Màn hình máy tính của
tôi chợt tối đi mấy giây rồi sáng lên, chiếu ra những tia sáng màu hồng lần
đầu tiên tôi thấy.
Sau đó, từ trong xa thẳm hiện lên một gương mặt đàn bà rất khó đoán
tuổi tác, thoạt nhìn chỉ áng chừng mười tám đôi mươi, nhưng nhìn kỹ thì lại
thấy đôi mắt quá ư từng trải, như thể đọc được hết mọi ý nghĩ của mình,
như đã sống hàng bao nhiêu thế kỷ. Gương mặt đàn bà lên tiếng, giọng
nặng khó nghe như giọng người xứ trong, nhưng ngôn ngữ dùng lại rất hiện
đại. Bây giờ thì tôi thấy đó là một thiếu phụ. Thiếu phụ nói, vâng lệnh của
Hai Bà chuyển lại cho đồng chí nhà văn tập bản thảo, rằng không chỉ có
Hai Bà mà cả thân phụ và thân mẫu của Hai Bà cùng đọc. Nghe cách nói,
tôi hiểu thiếu phụ chính là người đã ghi lại nhận xét của các vị tiền nhân,
khi đọc mỗi chương và mỗi đoạn. Lẽ dĩ nhiên các vị tôn trọng đồng chí nhà
văn, hy vọng nhà văn nhìn xuyên thấu lịch sử, làm cho lịch sử gần với hiện
thực hơn, cũng gần với hiện đại hơn.