Dĩ nhiên là Tân chịu liền. Ðược vô học lớp bóng đá Tao Ðàn đứa nào lại chẳng khoái. Có cả
huấn luyện viên Tam Lang của đội Cảng Sài Gòn phụ trách hướng dẫn nữa mà. Có lần Tân
thấy báo đăng như vậy. Chính anh Sáu nó trước đây cũng học chơi bóng ở đó. Nó rụt rè hỏi:
- Ở đó dạy có khó lắm không anh?
Anh Việt cốc đầu nó, cười:
- Chưa gì mà đã sợ khó rồi hả? Trường lớp nào mà lại chẳng khó. Nhưng nếu mình cố gắng
thì vẫn học được thôi. Nhưng em cần nhớ một điều là phải học văn hóa cho tốt. Càng có
trình độ văn hóa càng tiếp thu tốt các bài học, dù là những bài học về bóng đá. Chỉ có năng
khiếu thôi thì không đủ đâu!
Tân nghe anh Việt nói mà băn khoăn vô kể. Nó chẳng hiểu chuyện học tập và chuyện đá
bóng có dính dáng gì với nhau mà ai cũng biểu nó ráng học tốt. Thiệt là quái quỉ! Tân thắc
mắc trong bụng nhưng không nói ra. Nó ngồi đưa mắt tò mò nhìn lên bàn làm việc của anh
Việt.
Chợt mắt nó sáng lên khi thấy trên kệ sách có một lô sách dạy đá bóng.
Tân thò tay rút quyển “Nếu em muốn đá bóng giỏi” và lật ra coi.
Ngay trang đầu, Tân đã thích thú với lời giới thiệu của nhà xuất bản: "Cuốn sách này do các
huấn luyện viên nước Cộng hòa Dân chủ Ðức viết cho các em học sinh yêu thích bóng đá và
mong muốn trở thành cầu thủ giỏi..."
Trong khi anh Long và anh Việt ngồi nói chuyện thì Tân chúi mũi vô cuốn sách, say sưa đọc.
Nhưng rồi, nó khựng lại. Ðọc câu "Cái quan trọng là tập luyện không được phiến diện mà
cùng một lúc em phải nâng cao việc phát triển các tố chất thể lực, kỹ thuật và chiến thuật" ,
Tân không hiểu rõ ràng người ta muốn nói gì. Những chữ như “phiến diện” hay “tố chất” đối
với nó hoàn toàn xa lạ.
Tân vội vã giỡ qua trang khác. Thấy cái tựa lớn "Sút bóng thế nào?", nó hăm hở đọc coi
người ta chỉ vẻ ra sao. Không dè đụng ngay câu "Như em đã rõ, nếu có một lực tác động vào
tâm của một vật, thì vật đó sẽ chuyển động thẳng ra phía trước theo hướng của điểm mà lực