NGƯỜI KỂ CHUYỆN CỔ TÍCH (CHRISTIAN ANDERSEN)
Tôi làm quen với nhà văn Christian Andersen khi tôi mới lên bảy.
Cuộc gặp gỡ xảy ra trong một buổi tối mùa đông, vẻn vẹn vài giờ trước
khi bước vào thế kỷ thứ hai mươi. Người kể chuyện cổ tích vui tính nước
Đan Mạch đã đón tôi trên ngưỡng cửa thế kỷ mới.
Ông ta nheo mắt lại ngắm nghía tôi hồi lâu, rồi vừa tủm tỉm cười vừa
móc trong túi ra một chiếc khăn trắng bong thơm phức. Ông phất khăn một
cái và bất thình lình từ trong khăn rơi ra một bông hồng bạch to. Ngay tức
khắc, ánh bạc của bông hồng và một tiếng lanh lảnh, chậm chạp và khó hiểu
tràn ngập khắp phòng. Hóa ra đó chính là những cánh hồng đã reo lên khe
khẽ khi chạm phải sàn gạch của gian hầm, nơi hồi đó gia đình tôi trú ngụ.
Lần gặp Andersen ấy chính là các hiện tượng mà các nhà văn cổ gọi là
“mộng trong đời thực”. Chắc hẳn đó chẳng qua là tôi đã tưởng tượng ra như
vậy.
Trong cái buổi tối mùa đông mà tôi kể cho các bạn nghe đây, gia đình tôi
đang trang hoàng cây thông đầu năm. Nhân dịp ấy cha mẹ tôi bắt tôi ra
đường chơi để tôi khỏi vui mừng với cây thông quá sớm.
Tôi không tài nào hiểu nổi vì sao lại không được vui mừng trước một hạn
định chặt chẽ nào đó. Theo tôi nghĩ thì niềm vui đâu có phải là người khách
thường đến thăm gia đình tôi mà phải bắt trẻ con chúng tôi mỏi mệt đợi
chờ. Nhưng dù sao mặc lòng, tôi vẫn bị đẩy ra phố. Lúc đó trời chưa tối
hẳn, những cây đèn lồng ngoài đường chưa được thắp sáng, nhưng chúng
có thể bừng lên ngay đó chưa biết chừng. Và vì cái “ngay đó” kia, vì sự chờ
đợi những cây đèn bất thình lình lóe sáng, tim tôi se lại. Tôi biết chắc chắn
rằng trong ánh sáng màu xanh lá mạ của hơi đốt, đủ mọi thứ kỳ diệu ở bên
trong những tủ kính của các cửa hàng sẽ hiện ra ngay lập tức, những đế sắt
lắp giầy trượt băng “Xnegurka”, những cây nến xoắn với đủ mọi màu sắc
cầu vồng, mặt nạ của những chú hề đội mũ trắng hình trụ, những chàng kỵ
sĩ trên lưng những con ngựa hùng hổ màu cánh gián, những cây pháo và