Một dịp may, sáng hôm sau, trời vần vũ đổ mưa xuống. Khi trận mưa vừa
tạnh, những bóng nước cũng trôi nơi lòng rãnh đá hoa như hôm nào.
Người thợ già tâu vua xin mời công chúa ra trước thềm điệu vàng và thưa:
"Tôi tuổi già, đôi mắt đã mờ, không phân biệt được vẻ tốt xấu.
Xin công chúa tuỳ ý lựa hạt ngọc nào đẹp nhất, tôi sẽ xỏ cho". Nhưng bóng
nước vẫn là chất mong manh, vừa chạm đến liền tan ngay, công chúa hết vớ
bóng này đến bóng khác, kết cuộc đã mệt nhọc mà chẳng được chi cả.
Người thợ già hỏi: "Thế nào? Những hạt ngọc ấy ở đâu?". Công chúa
ngẩng lên nhìn người thợ, rồi quay lại nhìn vua cha, đáp: "Xin phụ vương
ban cho con tràng chuỗi bằng tử kim, vì thứ ấy rất chắc rơi xuống gạch đá
không vỡ.
Còn những thứ này chỉ có dáng bên ngoài, nhưng lại giả dối mong manh,
con không thể lấy được và không còn thấy ưa thích nữa".
Ðức vua dịu dàng bảo: Thì nó chỉ là những bóng nước thôi con ạ". Như
tỉnh ngộ ra, công chúa lộ vẻ e thẹn cúi đầu giữa nụ cười kín đáo của đoàn
cung nữ...
Ðức Phật bảo A Nan và đại chúng:
"Tất cả pháp hữu vi đều vô thường, không thật như bóng nước chóng tan,
như ánh nắng chập chờn giữa trời mưa mà loài nai khao khát lầm tưởng là
nước cứ đuổi theo mãi. Sắc thân ngũ ấm cũng như thế chính tự thân còn
không giữ được, huống là cảnh vật bên ngoài. Phàm phu trong lúc vì tự
thân đi tìm hạnh phúc, chỉ đuổi theo bóng hình giả dối, mong manh, sống
mãi trong vòng ước vọng, kết cuộc không được sự vui chơn thật, lại phải
chịu bao nhiêu điều thống khổ, không khác chi trường hợp của nàng công
chúa. Nếu chúng sanh nào xét biết ấm thân vô thường, dứt trừ phiền não
huyễn tưởng, tất sẽ chứng được tánh thể vắng lặng, yên vui, không còn
xoay lăn trong vòng sinh tử nữa!". Ðoạn đức Thế Tôn nói bài kệ rằng:
Nên quán tưởng bóng nước,
Và ánh nắng chập chờn
Như thế quán tưởng thân,
Sẽ thoát vòng sanh tử.