TRUYỆN KỂ DANH NHÂN LỊCH
SỬ TRUNG QUỐC
Khuyết Danh
www.dtv-ebook.com
Hoàng Cân Quân Khởi Nghĩa (Khởi Nghĩa Khăn Vàng)
Cuối triều Đông Hán, hai tập đoàn hoạn quan và ngoại thích thay nhau
chuyên quyền, khiến tình hình chính trị suy đồi, tình trạng sáp nhập ruộng
đất gia tăng, sưu thuế càng nặng, dân chúng lưu ly thất sở, mâu thuẫn giai
cấp ngày một gay gắt. Hán Linh Đế u mê tin dùng hoạn quan, hàng ngày
chỉ biết ăn chơi, kho bạc nhà nước đã vơi cạn. Nhằm vơ vét của cải, chúng
đã mở một cửa hàng rất đặc biệt ở Tây Viên, những người có tiền có thể
đến đây mua quan, mua tước vị, chúng trắng trợn treo một bảng giá ở ngoài
cửa Hồng Đô, chức thái thú quận bán 10 triệu lạng bạc, chức huyện lệnh
bán 4 triệu lạng bạc, người mua mà chưa đủ tiền thì có thể khất nợ, đợi đến
khi nhậm chức thì phải trả gấp đôi. Do đó, những quan lại vừa mới lên
nhậm chức liền bắt đầu đục khoét nhân dân, sự đen tối của vương triều
Đông Hán đã tới mức tột cùng.
Cuộc khởi nghĩa Hoàng Cân đã được ấp ủ và dần dần chín muồi trong
bối cảnh này. Trương Giác người Cự Lộc- Ký Châu đã tích cực triển khai
hoạt động tổ chức và tuyên truyền, nên đã trở thành lãnh tụ của cuộc khởi
nghĩa nông dân vĩ đại này. Ông quyết định lợi dụng tôn giáo để tổ chức
quần chúng, sáng lập ra một giáo phái gọi là Thái Bình Đạo, thu nạp đệ tử
để cùng mình truyền đạo. Số người theo Thái Bình Đạo ngày càng đông.
Trương Giác lại cử hai em là Trương Bảo và Trương Lương dẫn đệ tử đi
chu du các nơi, vừa chữa bệnh cứu dân vừa truyền đạo, trong thời gian 10
năm đã đi khắp cả nước, số tín đồ lên tới mấy trăm nghìn người. Bấy giờ,
các quan lại quận, huyện đều cho rằng Thái Bình Đạo là một giáo phái
khuyên người làm việc thiện, trị bệnh cứu người, nên cũng chẳng hề để ý