đoàn, kiêm nhiệm một tạp chí... Thôi thì ngày ngày rèn luyện cũng là để
trải thảm cho tương lai mình.
Bận rộn khiến tôi luôn ao ước được nghỉ ngơi. Tốt đấy, nhưng là khi
nào đây. Đêm ư? Không. Đêm khuya yên tĩnh thì viết luận văn, học từ là tốt
nhất. Cuối tuần ư? Đừng nói cuối tuần, mới giữa tuần này mà hoạt động
của tuần sau đã chật kín rồi. Hay nghỉ hè? Nghỉ hè đâu phải là nghỉ học.
Nghĩa là về căn bản tôi không có thời gian để nghỉ, không có cả thời
gian để từ từ nói một câu:
Chán thật!
Hôm ấy tan học, tôi ôm cuốn sách tiếng Nhật vừa đi vừa học từ, bỗng
một người vội vội vàng vàng chạy qua mặt, suýt va vào tôi. Người đó quay
đầu xin lỗi rồi lại lật đật chạy tới chiếc xe buýt vừa dừng lại đón khách.
Tuy người đó không nhận ra tôi và tuy không tin lắm vào mắt mình nhưng
tôi dám khẳng định đó là cô giáo Đỗ. Chắc chắn.
Sau đó tôi không chỉ một lần hoặc ở thao trường, hoặc trên cầu thang,
có khi lại ở ngoài đường... đã chứng kiến sự tất bật của cô Đỗ. Nhưng hễ cứ
vào lớp là cô lại trở về với cái tiết tấu chậm chạp ấy. Và tôi kinh ngạc bởi
cô có thể diễn xuất tốt đến vậy.
Một lần trong giờ học, cô Đỗ hỏi tôi. “Vì sao văn chương của em tiêu
cực vậy?”. Tôi bảo tôi quá chán, quá mệt, giống như Lỗ Tấn một thời khắc
nào đấy.
Tôi hỏi lại: “Còn cô, có khi nào cô chán nản buồn bã không? Và cô
làm thế nào để quên được nó?”.
“Nghĩ đến một việc buồn hơn thì sẽ quên được”. Cô nghiêm trang nói,
hình như có chút tức giận.
Hôm ấy, vào giờ học, cô Đỗ nói muốn hát cho chúng tôi một bài, cái
bài mà cô thích, gọi là Sự bình yên trong lòng mới là vĩnh cửu.
Cả lớp ngớ ra. Tôi nghĩ gay rồi, chậm chạp như cô mà hát chẳng phải
sẽ giống cái máy ghi âm không đủ điện ư? Rồi bỗng cả lớp cười phá lên,
hình như chúng đều nghĩ như tôi vậy. Kệ, cô vẫn hát, tiết tấu rất chuẩn,
không sai cả điệu lẫn lời. Kêu to một tiếng giữa trời xanh, đã thử lòng bao
năm như vậy. Khi ta mệt mỏi hay quạnh hiu khó nói... Cô hát rất say sưa.