giờ này vợ chồng Phấn còn ngập đầu trong nợ nần. Thấy Phấn nấn ná ngồi
lại, Tàm đưa tay khẽ chạm vào vai Phấn. Phấn cũng đưa tay lên, nắm chặt
lấy bàn tay anh rể. Khi hai bàn tay tội lỗi đổ mồ hôi nhớp nháp là khi Phấn
đã nằm gọn trong lòng Tàm. Tàm lấy vợ hơn tuổi. Giờ người đàn bà gần
năm mươi mù lòa gầy héo như mớ rêu suối phơi nắng thì Tàm vẫn còn
đương cái sức trai nồng nàn, hừng hực. Như con gấu đói vớ được bọng mật
ong, Tàm ngấu nghiến trong khát thèm đến tận khi tiếng ho của mụ vợ như
cuốc kêu ở ngọn thang nhàsàn vọng vào tai Tàm, Tàm mới buông Phấn ra
cho Phấn về.
Một gã đàn ông khôn lanh như Sợi, không lẽ lại không hiểu rằng vợ
mình đã thay đổi rõ rệt kể từ cái đêm ấy. Nhưng Sợi nghĩ, nếu Sợi rắp tâm
rình rập để lôi hai kẻ khốn nạn ra mà xỉ vả, làm nhục thì Sợi được gì?
Không được gì cả. Sợi sẽ mất hết. Tàm sẽ bỏ rơi chị gái Sợi cùng đàn cháu
nheo nhóc rồi cuốn theo Phấn đi đến tận nơi nào đó mà ung dung sống với
nhau. Thiếu Phấn, Sợi thậm chí còn không lo nổi cho bản thân mình lúc
đau ốm, chứ nói gì đến hai đứa con? Mà để chúng ngang nhiên ở với nhau,
có lẽ Sợi cắn lưỡi mà chết. Làm thế nào để tách hai con thú hoang ấy ra
khỏi nhau được? Sợi thật không ngờ Phấn lại có thể hư hỏng đến thế.
Không ngờ cái giá của những tính toán lại lớn đến nỗi Sợi không còn cơ
hội để trả như bây giờ. Sợi nghĩ ngày nghĩ đêm. Mới hơn ba chục tuổi đầu
mà trông Sợi già khọm, trong khi Phấn phơi phới trẻ đẹp. Hồi bố Sợi còn
sống, việc lớn việc nhỏ trong họ, ông vẫn thường tin tưởng Sợi mà kể hết.
Ông bảo Sợi là người có tài đoán biết và lo liệu êm xuôi mọi việc. Một kẻ
đa mưu túc kế như Sợi mà lại không nghĩ ra cách gì để trị con vợ hư đốn thì
kém quá. Chẳng thế mà hồi trước, lúc Sợi đi làm trên thành phố, cùng công
ty với Phấn, bao nhiêu thằng nhăm nhe tán tỉnh Phấn, mà Phấn lại vào tay
Sợi chỉ sau có một đêm.
Hôm ấy, sau bữa tối, Sợi lè nhè giả say. Khi Phấn bế Sợi lên giường
thì Sợi vờ kêu lên. Hôm nay là ngày con Én đẻ đấy. Mày không đi thăm nó
à? Phấn ngơ ngác. Ừ, con Én đẻ rạng sáng nay thật, cổng nhà nó cắm lá