Đức Phật lưu lại thành Ca-tỳ-la-vệ được sáu tháng, rồi ngài định trở lại thành
Vương-xá mà tổ chức cho tất cả chư tăng an cư nơi đó. Vì Phật và chư tăng vừa
đi vừa khất thực và vẫn giữ thời khóa tu tập hàng ngày nên đi rất chậm.
Khi được chừng nửa đường, ngài tạm nghỉ chân trong một khu làng kia, thì có
sáu vị hoàng thân trong họ Thích-ca tìm đến. Đi theo các ngài còn có một người
thợ hớt tóc tên là Ưu-ba-ly.[99] Sáu vị hoàng thân ấy là: A-na-luật,[100]Bạt-đề,
[101] Bạc-già,[102] Kim-tỳ-la,[103] Đề-bà-đạt-đa,[104] và A-nan.[105]
Nguyên nhân là như sau:
Sau khi Phật rời thành Ca-tỳ-la-vệ, hoàng thân A-na-luật phát tâm xuất gia, mới
thưa việc ấy với mẹ. Bà mẹ không bằng lòng, nhưng không biết nói sao, liền ra
điều kiện là nếu có hoàng thân Bạt-đề cùng xuất gia thì bà mới đồng ý. Bà nói
thế vì tin chắc Bạt-đề không thể nào xuất gia. Ông này đang giữ một chức quan
quyền uy tột đỉnh, giàu có vô cùng.
A-na-luật liền đến gặp Bạt-đề, vốn là bạn rất thân, thuyết phục bạn cùng xuất
gia. Bạt-đề cho biết mình cũng có ý muốn đó, nhưng định đến khi tuổi già mới
thực hiện. A-na-luật hết sức thuyết phục bạn, ông chỉ ra tính chất vô thường của
cuộc sống, nên nếu muốn xuất gia thì không nên chờ đợi nữa. Cuối cùng, ông
cũng nói thật về điều kiện của mẹ mình, và khẩn khoản cầu xin Bạt-đề cùng xuất
gia.
Thấy bạn hết lòng thuyết phục, Bạt-đề liền hẹn 7 năm sau sẽ xuất gia.
A-na-luật nói:
“Cuộc sống trôi qua nhanh lắm. Bảy năm của anh là một kỳ hạn rất dài, và tôi e
là anh sẽ không còn dịp mà xuất gia nữa.”
Bạt-đề rút ngắn còn 3 năm, rồi 7 tháng. Nhưng A-na-luật vẫn khăng khăng
không chịu. Cuối cùng, ông hứa chắc 7 ngày nữa sẽ cùng đi xuất gia.
A-na-luật mừng rỡ về thưa với mẹ. Bà mẹ kinh ngạc trước tin này. Nhưng khi
nghe A-na-luật kể lại đã thuyết phục Bạt-đề như thế nào thì bà chợt nhận ra con
nói đúng. Cuộc sống vô thường nên việc xuất gia không thể trì hoãn được. Và bà
thấy vui lòng đồng ý cho con xuất gia.