Năm thái tử lên 8 tuổi , vua Tịnh-phạn quyết định cho ngài tham gia buổi lễ Hạ
điền [10] lần đầu tiên.
Theo phong tục Ấn Độ thời bấy giờ, cứ mỗi đầu vụ mùa, người ta tổ chức một
buổi lễ rất trang trọng để cầu khấn các vị thần linh cùng trời đất ban cho sự tươi
tốt, bội thu. Lễ này có ý nghĩa quan trọng đối với toàn dân, vì xã hội bấy giờ
sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Tại nơi cử hành lễ chính, nhà vua đích thân
đứng ra chủ trì, khấn vái cùng trời đất, rồi tự mình bước xuống ruộng mà đặt
lưỡi cày cho đường cày đầu tiên của vụ mùa.
Sáng hôm đó, thái tử ngồi cùng một chiếc kiệu với nhà vua đi đến tham gia buổi
lễ Hạ điền đầu tiên trong đời mình.
Tại nơi cử hành buổi lễ, người ta đã chuẩn bị trang hoàng rất uy nghiêm và rực
rỡ, vì nhà vua cũng muốn nhân chuyến đi này làm vui lòng thái tử, khiến cho
ngài càng thêm ham thích đời sống vương giả.
Vì thế, các vị quan phụ trách đã được lệnh phải tổ chức thật linh đình, vui nhộn,
hơn hẳn các cuộc lễ những năm trước.
Ngờ đâu, thái tử chẳng hề quan tâm đến những gì mà người ta đã dày công
chuẩn bị. Những đèn hoa trang trí cùng cờ phướn rực rỡ, âm nhạc rền vang với
các điệu múa tinh xảo lạ lùng... thảy đều không làm ngài để tâm gì đến.
Trong khi mọi người bước vào cuộc lễ, đức vua thân hành cùng các thầy bà-la-
môn đọc kinh cầu nguyện và thực hiện các nghi thức cúng tế, thì thái tử lẳng
lặng rời xa nơi lễ hội, tung tăng chạy nhảy nô đùa trên cánh đồng rộng gần nơi
đó.
Lần đầu tiên rời khỏi hoàng cung, chính cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp nơi đồng
quê thôn dã lại làm ngài thấy vui thích thực sự. Dưới ánh nắng ban mai, cây cỏ
xanh tươi như đều vươn lên tỏa sáng, và nghe tiếng chim ca hót rộn ràng trên
những cành cao, ngài cảm nhận được sự hài hòa hơn cả những nhạc công của
chốn cung đình.
Dần trưa, ánh nắng ngày càng trở nên gay gắt hơn. Thái tử đến ngồi dưới một
gốc cây cao mà nhìn ra quang cảnh đồng ruộng, xa xa đang diễn ra cuộc lễ linh
đình.