Các vị lão thần đều lặng thinh trước lập luận đó. Đề-bà-đạt-đa rất hả dạ, cho rằng
chuyến này thái tử hẳn phải một phen bẻ mặt, vì chắc chắn phải giao con chim
cho mình rồi.
Khi ấy, thái tử điềm đạm bước ra nói:
“Hết thảy muôn loài đều tham sống mà sợ chết. Mạng sống của bất cứ ai cũng
đều là quý giá, không nên đoạt mất. Quả đúng là Đề-bà-đạt-đa đã bắn rơi con
chim này. Trước đó, nó tự do bay lại trên bầu trời cao rộng với đôi cánh của
mình. Nay vì một mũi tên của Đề-bà-đạt-đa mà nó phải mang thương tích suýt
mất mạng, hiện vẫn còn cần đến sự chăm sóc thuốc thang. Như vậy, Đề-bà-đạt-
đa rõ ràng là kẻ thù của chim. Còn tôi, gặp chim trong tình trạng nguy khốn nên
cứu lấy mạng sống, nhờ người chăm sóc cho nó. Như vậy, tôi chính là ân nhân
của chim. Xin hỏi các vị, nếu phải giao phó những bệnh nhân đang cần chăm sóc
thuốc thang, thì các vị sẽ giao cho kẻ thù của họ hay giao cho ân nhân của họ?”
Các vị lão thần đồng thanh đáp:
“Tất nhiên là không thể giao cho kẻ thù được.”
Đề-bà-đạt-đa giận đến tái mặt, nhưng không còn lời nào để nói trước lập luận
chặt chẽ của thái tử, liền lặng lẽ bỏ đi.
Các vị lão thần thảy đều khâm phục tài biện luận của thái tử, và càng khâm phục
hơn nữa trước tấm lòng nhân ái bao la, thương người, thương vật của ngài.